Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Lắk 2019

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Sáng 10/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk.

Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường có các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương.
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển, đó là điều được nhận diện ngày càng rõ qua thực tiễn đổi mới và phát triển của tỉnh. Các kết quả kinh tế xã hội đạt được minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên cũng có một thực tế khác GDP của Đắk Lắk bình quân đầu người năm 2018 ở vùng thủ phủ cà phê chỉ đạt hơn 40 triệu đồng, thấp xa so với bình quân 58,5 triệu đồng của cả nước. Đây không thể là kết quả mong đợi và coi là đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, thu hút đầu tư vào Đắk Lắk cần phải được xúc tiến trên các thế mạnh cơ bản như tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo công nghiệp chế biến, du lịch đẳng cấp cao.
PGS, TS Trần Đình Thiên đặc biệt ấn tượng với thế mạnh “đại ngàn” của vùng Tây Nguyên và cho rằng Đắk Lắk không thể tự khai thác được thế mạnh này để phát triển nông nghiệp, du lịch, mà cần thêm sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách.
"Quan điểm phát triển của Buôn Ma Thuột không phải là vấn đề riêng của Đắk Lắk mà là vấn đề của quốc gia, của vùng cho nên phải có cơ chế chính sách nếu một mình Đắk Lắk là không thể xử lý được. Tôi cho rằng để phát triển các địa phương thì phần lớn là sự tháo gỡ ở Hà Nội chứ không phải ở các địa phương. Cho nên mong Trung ương quan tâm tháo gỡ thể chế để các địa phương có không gian chủ động phát triển hơn nữa”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Phân tích cụ thể lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, Đắk Lắk đã có những bước phát triển đáng ghi nhận xác định được các sản phẩm chủ lực như cà phê hồ tiêu khi ăn trái để hình thành vùng nguyên liệu và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Tỉnh cũng đã xuất hiện các hình thức liên kết hợp tác đa dạng xây dựng được các loại liên kết có hiệu quả cao.
Tuy nhiên việc định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với nhu cầu thị trường vẫn rất hạn chế. Các cây công nghiệp chủ lực như hồ tiêu ,cà phê, cao su, điều… vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động thị trường và phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, khủng hoảng thừa thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp nhiều tiềm năng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Tổ chức sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp kém phát triển chính sách hỗ trợ và hệ thống dịch vụ công còn nhiều bất cập. Để khắc phục những bất cập này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, dựa vào các hộ riêng lẻ như hiện nay, nông nghiệp của Đắk Lắk vẫn tiếp tục bấp bênh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: “Để xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ, tôi nghĩ khâu đầu tiên, một bước đột phá là phát triển được kinh tế hợp tác và coi đây là mấu chốt trong đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất hàng hóa với qui mô lớn gắn với giá trị nông nghiệp. Hiện nay ở Tây Nguyên giá đất khá cao nên rất khó để các nông hộ mua bán hay tích tụ đất của các nông dân khác. Cho nên chỉ có thông qua kinh tế hợp tác chúng ta mới có thể xây dựng hàng hóa tập trung qui mô lớn. Thứ 2 là thu hút đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với lĩnh vuẹc chế biến nông lâm, thủy sản và xuất khẩu”.
Toàn cảnh hội nghị
Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk trong phát triển kinh tế-xã hội, tâm huyết của các nhà đầu tư trong phân tích các vấn đề của KTXH của Đắk Lắk và đề xuất hướng giải quyết, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với nguồn lao động dồi dào sức trẻ, kho tàng lịch sử văn hóa đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hệ thống giao thông khá đồng bộ, cơ hội phát triển của Đắk Lắk sẽ ngày càng khả quan hơn. Về việc để Đắk Lắk hiện thực hóa được các tiềm năng, vượt qua những thách thức đang đặt ra, Phó Thủ tướng cho rằng, cái chính vẫn là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, đề cao sang tạo, khuyến khích khởi nghiệp. Về phía trung ương, chính phủ sẽ cũng các bộ ngành tạo mọi điều kiện.
"Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ ngành hoàn thiện thể chế pháp luật thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Yêu cầu các bộ ngành phải quyết liệt ủng hộ tạo ra các cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư đầu tư vào Đắk Lắk, cải cách thể chế cho thật tốt không để phát sinh những chi phí ngoài luồng gây cản trở cho nhà đầu tư và cũng phải quyết liệt phân cấp cho địa phương giúo Đắk Lắk vươn lên bứt phá”.
Tại hội nghị lần này tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đầu tư cho 40 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 71.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án về năng lượng tái tạo, nông nghiệp, giáo dục-y tế chiếm tỷ trọng lớn.
Tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, các nhà máy chế tạo cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp các dự án phát triển nhà đô thị các khu du lịch sinh thái không thấy điện gió điện năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, năng lượng tái tạo được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, khi đã có những dự án đầu tiên chứng minh được hiệu quả, cao gấp 20 đến 30 lần so với canh tác nông nghiệp. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, sẽ cùng Đắk Lắk tạo những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của Đắk Lắk vẫn là “tinh hoa đại ngàn”, nên phải thận trọng về quy mô đầu tư, sao cho lợi ích đạt được một cách hài hòa, giữa kinh tế và môi trường, giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân./.