Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin phá sản Nhà máy đóng tàu Dung Quất

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị cho phép bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo Nghị định 128, nếu không bán được sẽ xin phá sản.

 

Mới đây, PVN đã có báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của PVN gửi Bộ Công Thương.

Theo đó, PVN đưa ra 4 kiến nghị, trong đó, PVN kiến nghị cho phép Tập đoàn bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn Nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

Đồng thời, ủy quyền cho Hội đồng thành viên PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

PVN cũng kiến nghị có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi PVN và các đơn vị trong PVN có nhu cầu, để đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của DQS.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Được biết, từ khi nhận bàn giao DQS từ Vinashin, PVN đã chuyển cho DQS hơn 5.095 tỷ đồng trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng thanh toán nợ.

Theo Bộ Công Thương, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư.

Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế, trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

Bộ này đánh giá phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định, gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà máy đóng tàu Dung Quất, cho biết Chính phủ đang xem xét 3 kịch bản cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Một trong các phương án là phá sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần