Qatar có chịu được "nhiệt" từ các nước vùng Vịnh?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qatar có nguồn dự trữ ngoại hối ổn định và nguồn cung thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhưng quốc gia nhỏ bé này sẽ chịu được áp lực đến thời điểm nào?

Áp lực sẽ còn siết chặt hơn
Ngoại trưởng Qatar đã đưa ra phản hồi chính thức với bản yêu sách từ các nước vùng Vịnh trước hạn chót được đưa ra.
Đây là động thái mới nhất trong căng thẳng giữa các Qatar và 4 nước Ả Rập. Các phái đoàn đã nỗ lực làm việc để giải quyết khủng hoảng bùng lên vào tháng trước. Trước đó, Ả Rập Saudi và các nước đồng minh đã lùi thời hạn 48 giờ cho Qatar để thực hiện yêu cầu của các quốc gia vùng Vịnh.
Tại Kuwait, quốc gia trung gian hòa giải, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã chuyển lá thư của nhà cầm quyền nước này về phản hồi chính thức của Qatar với yêu cầu của các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, nội dung lá thư chưa được công bố.
 Quốc gia nhỏ bé Qatar đang nằm ở tâm điểm khủng hoảng.
4 quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến đường bộ, đường biển và hàng không tới Qatar vào ngày 5/6, cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn cho khu vực.
Các nước đồng minh vùng Vịnh sau đó đã đưa ra bản yêu sách 13 yêu cầu, bao gồm đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi đã tuyên bố, các yêu cầu này là không thể thương lượng. Đáp lại, người đồng cấp phía Qatar cho biết, các điều kiện là không thể đáp ứng và khước từ.
Nhà nghiên cứu Mehran Kamrava của Đại học Ngoại giao Georgetown, Qatar cho biết, yêu cầu mà 4 nước Ả Rập nêu ra như việc đóng cửa Al-Jazeera, việc trả tiền đền bù và một số yêu cầu khác thực sự không thể đáp ứng được.
Ông Kamrava dự đoán, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đe dọa từ chối hợp đồng với các DN của Qatar và tiếp theo, áp lực sẽ còn được siết chặt hơn.
"Qatar có một số công cụ để ứng phó với áp lực như nguồn đầu tư mạnh mẽ, dự trữ ngoại hối ổn định, nguồn cung thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran", ông Kamrava cho hay.
Tuy nhiên, cộng đồng DN của Qatar sẽ phải chịu thiệt hại. Nhiều DN Qatar có chi nhánh ở Dubai và Ả Rập Saudi. “Điểm quan trọng là cộng đồng DN Qatar có thể ủng hộ quan điểm của chính phủ bao lâu", nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Vai trò của Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột
Tuần trước, Ngoại trưởng Qatar Al-Thani đã gặp người đồng cấp phía Mỹ Rex Tillerson tại Washington. Ông Tillerson đã nhiều lần kêu gọi đối thoại giữa các quốc gia về khủng hoảng ngoại giao và ủng hộ cách tiếp cận trực tiếp cho cuộc xung đột.
Qatar là đồng minh của Mỹ và một căn cứ quân sự lớn gồm khoảng 11.000 nhân viên của Washington đang đóng tại đây.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã gặp Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan - Hoàng tử kế vị của Abu Dhabi và các quan chức UAE khác cuối tuần trước.
Trả lời phóng viên CNN, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Mohammed Gargash cho biết, nước này đảm bảo rằng, căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi xung đột và sẽ tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Ông Gargash cũng cho biết, ông kỳ vọng Washington và các nước châu Âu sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát mọi thỏa thuận với Qatar.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần