Quá tải bệnh nhân cấp cứu trong dịp Tết

Bài, ảnh: Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh nhân liên tiếp nhập viện, số giường bệnh hoạt động hết công suất - đó là tình trạng của khoa cấp cứu tại nhiều bệnh viện (BV) trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019. Số bệnh nhân nhập viện chủ yếu vẫn do những nguyên nhân: Uống rượu, bia, đặc biệt là dùng pháo nổ...

Bác sĩ căng mình cấp cứu

Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức, những ngày nghỉ lễ chật cứng bệnh nhân. Chỉ trong 9 ngày nghỉ lễ, BV đã tiếp nhận tới 528 ca cấp cứu, tai nạn, chủ yếu do nạn nhân sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm và không chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Lượng bệnh nhân tăng vọt khiến cho số giường bệnh hoạt động hết công suất, những chiếc giường kê san sát nhau. Thậm chí, có những ngày các bác sĩ phải mổ suốt đêm nhưng không thể giải quyết hết các trường hợp cấp cứu.
 Chăm sóc bệnh nhân sau cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tới BV Hữu nghị Việt Đức những ngày này sẽ dễ dàng bắt gặp người nhà bệnh nhân gục đầu bên giường bệnh, những khuôn mặt mệt mỏi, lo âu. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Nam) cho biết, chồng chị nhập viện cấp cứu đúng ngày mồng 1 Tết do tai nạn giao thông. Anh lái xe trong tình trạng say rượu rồi lao thẳng vào cột đèn bên vệ đường. Tuy anh được người đi đường đưa tới BV tỉnh cấp cứu sớm, nhưng vụ tai nạn khiến chân anh bị gãy, có khả năng phải cưa bỏ.

Tại Khoa Cấp cứu (A9), BV Bạch Mai, cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân cấp cứu tăng vọt. Trong 9 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày khoa có hơn 200 bệnh nhân nặng vào cấp cứu, tăng 30% so với ngày thường. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới đến, 50% số ca là bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa có liên quan đến rượu, suy gan, suy thận cấp. Ngoài ra, khoa đang điều trị cho một bệnh nhân nghi ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol nguy kịch.

Tai nạn do đốt pháo tăng vọt

Ngoài các vấn đề về rượu bia, tai nạn giao thông tăng vọt, tình trạng bệnh nhân nhập viện do pháo nổ tăng tới 32% so với cùng kỳ của năm trước. Trên phạm vi toàn quốc, trong 8 ngày nghỉ lễ, có tới 313 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ các loại, không có ca nào tử vong. Có 62 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong đó có 1 trường hợp tử vong, nạn nhân nam 10 tuổi tại Đồng Nai bị bắn bằng súng tự chế.

BV Việt Đức đã cấp cứu 8 ca tai nạn do pháo nổ và 3 ca tai nạn do chất nổ khác trong dịp

Hà Nội cấp cứu gần 15.000 bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 9 ngày nghỉ lễ, vẫn còn 5.580 bệnh nhân đang điều trị. Toàn TP đã cấp cứu cho 14.838 bệnh nhân, 1.777 ca tai nạn giao thông, 1.112 ca tai nạn khác, ghi nhận 28 bệnh nhân tử vong trong đó có 1 ca nguyên nhân do tai nạn giao thông, không có ca tử vong do pháo nổ. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, công tác y tế phục vụ Tết Nguyên đán được triển khai nghiêm túc, đảm bảo theo quy định; không có dịch bệnh, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; công tác tiếp đón, chăm sóc người bệnh chu đáo; công tác phòng chống dịch, VSATTP, đảm bảo cấp cứu khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, đảm bảo theo quy định.
Tết Nguyên đán 2019. Bác sĩ Lê Nguyên Vũ - Khoa Cấp cứu của BV cho biết, tai nạn pháo nổ khiến bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng ở phần đầu, cổ, mặt, tay, khiến các cơ quan này không thể hoạt động như bình thường, việc điều trị và phục hồi chức năng rất khó khăn. Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng - Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Lê Hữu Trác, phân tích, tổn thương do thuốc pháo thường xuất hiện đều ở mặt, cổ, hai tay, gây bỏng, phù nề tiến triển nhanh, gây cản trở, suy hô hấp, thậm chí khiến bệnh nhân bị nát các chi. Bỏng vùng mặt, cổ khi khỏi sẽ để lại di chứng nặng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Bỏng ở hai tay để lại sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất của bệnh nhân.

Các con số thống kê cho thấy nhiều người vẫn sử dụng pháo trong dịp Tết gây thiệt hại về người và của, dù pháp luật đã cấm sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng khuyến cáo, người dân phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ, của việc tự chế thuốc gây nổ gây ra để quyết liệt ngăn chặn tình trạng sử dụng, tự chế pháo gây nguy hại cho gia đình và xã hội.

Lo ngại gia tăng ngộ độc rượu sau Tết

 Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết, ngộ độc rượu trong những năm trở lại đây có xu hướng tăng. Trong năm 2018, tình trạng ngộ độc rượu xảy ra thường xuyên, hàng ngày Trung tâm Chống độc đều có bệnh nhân cấp cứu. Đến Tết Nguyên đán 2019, Trung tâm Chống độc vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu, hóa chất ở mọi lứa tuổi, giới tính. “Có bệnh nhân mới 19 tuổi, có người là phụ nữ trẻ cũng bị ngộ độc cấp do rượu. Các bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính ở các mức độ khác nhau: nôn mửa, hôn mê, co giật...” - bác sĩ Trung Nguyên nói.

Bác sĩ Trung Nguyên cảnh báo, tình trạng ngộ độc rượu chắc chắn sẽ tiếp tục tái diễn sau dịp Tết Nguyên đán do người dân uống quá nhiều, uống theo tập thể, ép nhau uống. “Chúng ta đều đã biết tác hại của Methanol cho cơ thể, nhưng ngay cả rượu xịn, bia xịn - tức Ethanol cũng gây hại lên cơ thể không kém, chẳng hạn như các vụ tai nạn giao thông gây tử vong hay chấn thương nặng đều đến từ việc nạn nhân sử dụng rượu, bia. Hệ quả của rượu rải rác ở tất cả các khoa của BV như suy gan, suy thận, thần kinh, tâm thần, thiếu máu… chứ không chỉ có ở Trung tâm Chống độc”.

Bác sĩ Nguyên khuyên người dân nên uống rượu với số lần và số lượng hạn chế. Hãy quan tâm tới sức khỏe của mọi người, không nên ép uống hoặc uống nhiều để tránh ngộ độc, nhập viện cấp cứu ngay đầu xuân năm mới. Đặc biệt, để ý tới nguồn gốc của rượu, tránh uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng gây hại đến tính mạng con người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần