Quá tải người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nên giải quyết thủ tục qua mạng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19, những ngày này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVLHN) có số người đến nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng, dẫn đến quá tải.

Người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội 215 Trung Kính, ngày 25/3. Ảnh: Thủy Trúc
Chưa hết giờ làm việc đã “hết số”
Ghi nhận của phóng viên, chưa đến 10 giờ sáng ngày 25/3, người lao động (NLĐ) đến Trung tâm DVVLHN số 215 Trung Kính (quận Cầu Giấy) để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thất nghiệp thì nhận được thông báo “hết số”. Một nhân viên đo thân nhiệt ở ngay lối vào cửa giải thích: "Chúng tôi đã phát hết số buổi sáng. Mỗi buổi, Trung tâm giải quyết được bao nhiêu người sẽ phát ngần ấy số, chứ không phải đã hết giờ làm việc".
Nhiều NLĐ khác mong muốn, Trung tâm DVVLHN chuyển hết các khâu từ nộp hồ sơ, khai báo về tình trạng việc làm, tư vấn tìm việc thông qua mạng trực tuyến và thực hiện hết khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp. Có như thế, NLĐ không phải di chuyển đến Trung tâm, bảo đảm được an toàn.
Ngồi ở dãy ghế chờ, chị Nguyễn Thu H. đến từ quận Hoàng Mai chia sẻ: “Trước đây, tôi làm ở công ty sau đó xin nghỉ vì muốn tự mở cửa hàng bán đồ ăn vặt nhưng đúng thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, hàng ăn đóng cửa. Đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi muốn được giới thiệu một công việc và mức lương phù hợp, tuy nhiên phải chờ đến buổi chiều vì hiện giờ đã hết số buổi sáng”.
Quan sát của phóng viên cho thấy, những người đến làm thủ tục BHTN đều rất khẩn trương, muốn giải quyết nhanh để ra về. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm dịch đang bùng phát, Trung tâm DVVLHN nên chuyển sang dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài nếu thực sự không cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào làm hồ sơ
Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 20/3/2020, Trung tâm DVVLHN tiếp nhận 10.678 người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy số NLĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhưng theo quy định của Luật Việc làm, NLĐ phải trực tiếp đến làm thủ tục và thông báo tình hình tìm kiếm công việc. Bàn luận về câu chuyện này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, dù rằng luật quy định nhưng dịch bệnh xảy ra, NLĐ có thể thực hiện qua mạng, khi họ đến Trung tâm chỉ cần đối chiếu xác nhận sẽ nhanh hơn. "Nên tận dụng CNTT để làm hồ sơ, hẹn lịch làm việc theo số thứ tự đăng ký qua mạng. Do luật chưa sửa, Bộ LĐTB&XH có thể xin phép Chính phủ cho thực hiện các công đoạn trực tuyến để đôi bên cùng thuận lợi, tránh tiếp xúc trực tiếp" - ông Huân chia sẻ.
Nhiều năm nghiên cứu và đào tạo về bảo hiểm, nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Văn Định nêu ý kiến: Để NLĐ không phải chờ đợi lâu hoặc không bị “hết số”, đơn vị tiếp nhận hồ sơ thông báo trước trên trang web mỗi ngày tiếp nhận được bao nhiêu và tổ chức đăng ký hẹn ngày giờ tới làm. “NLĐ hết sức bình tĩnh chờ giải quyết, tránh tình trạng tập trung đông người. Cơ quan thực hiện chi trả chính sách BHTN, nếu thủ tục gì giải quyết được online thì thực hiện; khâu nào yêu cầu NLĐ đến trực tiếp nên có hẹn trước để tránh tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm cao”- ông Định đưa ra ý tưởng.
Đồng tình với đăng ký và làm thủ tục trước qua mạng, NLĐ đến Trung tâm chỉ cần kiểm tra thực tế và ký hoàn thành, ông Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và Phát triển hòa nhập đề nghị: Trung tâm DVVLHN phối hợp với Phòng LĐTB&XH các quận, huyện để giãn bớt, không tập trung NLĐ vào một địa điểm. Đồng thời cần rà soát dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để áp dụng tránh trường hợp NLĐ phải chờ đợi và phù hợp với xu thế.