Quà Tết và những biến tướng

Nguyễn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xưa tới nay, trong nếp sống giao tiếp hàng ngày và phong tục của người Việt nhất là vào các dịp lễ Tết, việc tặng quà cho nhau vốn là chuyện bình thường và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, những năm qua, dư luận xã hội khá bức xúc trước hiện tượng trong dịp lễ Tết việc biếu quà đã bị không ít người biến nó thành việc buôn danh, bán lợi.
Quà biếu dịp Tết là việc con cái tỏ lòng hiếu kính ông bà cha mẹ, học trò Tết thầy cô giáo, bệnh nhân Tết người thầy thuốc đã cứu chữa; là con rể con dâu Tết ba mẹ vợ, ba mẹ chồng, là bạn bè, đồng nghiệp chúc Tết lẫn nhau. Những món quà biếu Tết vốn chỉ xuất phát từ cái tâm của người biếu quà chứ không phải hình thức hay giá trị vật chất của những món quà.
Từ nét đẹp truyền thống
Cũng trong dịp lễ Tết, mọi người sẽ dành cho nhau những món quà biếu dịp Tết, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ xã hội. Ngày lễ Tết, để thể hiện sự quan tâm, tấm lòng chân thành của mình đối với những người mình yêu quý hoặc chịu ơn hay quý mến người ta thường hay mua sắm những món quà biếu dịp Tết để tặng, biếu.
 Ảnh minh họa.
Tục lệ biếu quà ngày Tết rất phổ thông, mọi người đều có thể chúc Tết nhau. Món quà trong phong tục gửi Tết là việc con cháu đem các lễ vật tới cúng ở những nhà thờ tổ tiên của dòng họ hoặc các phòng thờ gia tiên trong nhà dịp Tết đó là tục gửi Tết. Trước Tết để thể hiện lòng thành kính của mình, con cháu trong gia đình, gia tộc sẽ cố gắng sắm sửa bàn thờ tổ tiên được khang trang hơn với các vật phẩm thờ cúng gia tiên.
Một trong những phong tục ngày Tết từ ngàn xưa để lại đó là việc chúc Tết mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm mới bằng các phong bao màu đỏ trong đựng tiền để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và động viên con trẻ mau ăn, chóng lớn, học giỏi. Việc mừng tuổi không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 Tết mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10. Sau khi dậy sớm và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ con lần lượt ra chúc Tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà, bố mẹ.
Sau đó, người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ những chiếc bao lì xì đỏ chót, bên trong chứa những tờ tiền xanh, đỏ đẹp mắt cùng với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm. Phong bao là để tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Trong ngày Tết, việc mừng tuổi lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc. Người được nhận tiền mừng tuổi lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Sang hối lộ dịp Tết
Tục lệ biếu quà, mừng tuổi lì xì trong dịp Tết là một mỹ tục đẹp từ xưa đến nay của người Việt Nam đương nhiên là ngoại trừ những hành vi, động cơ hối lộ trục lợi thăng quan tiến chức của một số thành phần. Tuy vậy, trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, người ta không còn sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để mừng tuổi như xưa mà thay vào đó là những đồng tiền có mệnh giá cao.
Tiền mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi đầu Xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân có thể coi như việc hối lộ nhân dịp lễ Tết của cấp dưới đối với cấp trên của mình để hy vọng sang năm mới được thăng quan, tiến chức, có nhiều bổng lộc.
Những năm qua, dư luận xã hội khá bức xúc trước hiện tượng trong dịp lễ Tết việc biếu quà đã bị không ít người biến nó thành việc buôn danh, bán lợi. Trong dịp này, các địa phương cũng lên biếu quà Tết các cấp, ngành T.Ư, rồi các DN có mối quan hệ làm ăn “cánh hẩu” với một số quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trong việc phân bổ, phê duyệt các dự án cũng tranh thủ “đi Tết” các quan để được ưu tiên, ưu đãi.
Ngoài ra, việc biếu quà Tết không chỉ nằm trong phạm vi để đạt được quyền lợi, lợi ích của người tặng quà mà còn có trường hợp để được xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác hay làm ăn gian dối. Hay ở nhiều cơ quan, việc "đi" Tết sếp như một "quy định ngầm" không thể thiếu. Biếu, tặng quà cho cấp trên để hanh thông trong công việc, hoặc đôi khi chỉ để không bị sếp làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường. Những hiện tượng như vậy rất cần được nghiêm túc chấn chỉnh
Trước diễn biến không hay của việc “biến tướng” trong chuyện biếu quà Tết nói trên, mấy năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo với các nội dung: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.
Điều quan trọng là các địa phương phải chủ động, có kế hoạch cụ thể chăm lo thật tốt đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong dịp Tết, trước hết là các gia đình chính sách, hộ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất..., bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Tết, đón Xuân.
Tổ chức thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng khác làm nhiệm vụ trực Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chỉnh phủ cũng ra quyết định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động công vụ của mình; quà tặng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân mà việc tặng quà không rõ mục đích…, trong đó có quà tặng, quà biếu Tết. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh tại Chỉ thị 20/CT-UBND về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2020, theo đó, Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức, người lao động biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức.

Việc biếu quà Tết không chỉ nằm trong phạm vi để đạt được quyền lợi, lợi ích của người tặng quà mà còn có trường hợp để được xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác hay làm ăn gian dối. Hay ở nhiều cơ quan, việc "đi" Tết sếp như một "quy định ngầm" không thể thiếu. Biếu, tặng quà cho cấp trên để hanh thông trong công việc, hoặc đôi khi chỉ để không bị sếp làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường. Những hiện tượng như vậy rất cần được nghiêm túc chấn chỉnh.


Thị trường quà Tết vẫn “trăm giá đua chen”, những gốc đào, cây thế cả trăm triệu, những món đồ hàng hiệu, các loại đặc sản quý hiếm… vẫn cháy hàng. Nhiều người vẫn thầm hiểu quà người ta mua cho bản thân dùng thì ít, mà để tặng nhau lại nhiều.


Nhuốm màu thực dụng

Tặng quà Tết cho nhau vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Gọi là mỹ tục, bởi trước đây quà Tết mang ý nghĩa tinh thần là chính, người ta biếu nhau món quà, giá trị vật chất không cao như chai rượu, hộp bánh, hộp mứt, con gà hoặc những sản vật mà mình tăng gia sản xuất được.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, mỹ tục này đã bị biến tướng, nhuốm màu thực dụng. Giỏ quà, chai rượu đắt tiền hơn đã đành mà dưới đáy giỏ quà còn có chiếc phong bì. Cấp dưới biếu quà cấp trên để lo lót, nhờ vả, trả ơn hoặc đặt chỗ để được cất nhắc, ủng hộ. Các quan hệ đối tác biếu quà nhau để “lại quả”, đặt chỗ làm ăn, hợp đồng sắp ký kết. Quà Tết nhuốm màu thực dụng vì người ta thường biếu quà những người có ảnh hưởng quyền lực, “ăn cây nào rào cây ấy” trở thành tâm lý phổ biến với nhiều người”. - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam


Không tiêu diệt đúng bản chất thì dẹp bỏ hối lộ là nan giải

"Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh/thành Tết nào cũng chỉ đạo các ban, ngành tuyệt đối không được tổ chức đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm việc sử dụng tài sản, công quỹ từ ngân sách Nhà nước… là mới chỉ làm được một phần nghìn công việc phải làm. Không tiêu diệt đúng bản chất vấn đề là động cơ, mục đích trục lợi thông qua việc biếu quà thì việc dẹp bỏ vấn nạn hối lộ, tham nhũng là vô cùng nan giải.

Cách hành xử “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, cộng với cơ chế xin - cho, ban phát chức tước, bổng lộc và tâm lý chuộng chức quyền… đòi hỏi phải vận dụng nhiều biện pháp xã hội, nhiều biện pháp quản lý kinh tế, tài chính mới ngăn chặn được sự biến tướng này. Nếu không sẽ chỉ là đánh trống bỏ dùi." - Bà Nguyễn Thanh Hải - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam