Quận Ba Đình: Số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, tỷ lệ người dân quận Ba Đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 ngày càng tăng, tạo tiền đề tốt để mở rộng ra nhiều thủ tục hành chính (TTHC) và tiến tới DVCTT mức 4.

Chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ
Ông Đặng Văn Sơn (Chi bộ 8, phường Đội Cấn) đang làm TTHC liên thông “3 trong 1” cho cháu tại bộ phận Một cửa (BPMC) phường Đội Cấn chia sẻ: “Được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn đăng nhập trực tuyến, hẹn trả kết quả chỉ sau vài ngày, tôi thấy đây là cải cách lớn của chính quyền, giúp người dân đỡ đi lại nhiều, lại tránh được nhũng nhiễu từ cán bộ”.

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình.

Ông Sơn chỉ là một trong nhiều người dân phường Đội Cấn nói riêng, quận Ba Đình nói chung đang được hưởng lợi từ DVCTT mức độ 3 cấp phường 1 năm qua. Từ chỗ chỉ tuyên truyền trên loa, thấy số người sử dụng dịch vụ chưa đạt 50% tổng giao dịch hành chính, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết chuyên đề; giao ban trong mọi cuộc họp; gửi văn bản đến 22 tổ trưởng dân phố… UBND phường phát trên 4.000 tờ rơi tuyên truyền, 4.000 tờ hướng dẫn thực hiện DVCTT đến các hộ dân, phát loa hàng ngày, đến tận hội nghị tổ dân phố và trực tiếp tại BPMC, cán bộ “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Phường cũng cử đoàn viên  hàng ngày đến BPMC, mang máy tính đến Nhà văn hóa hướng dẫn công dân đăng nhập... Hiện 100% hồ sơ hành chính lĩnh vực tư pháp được giao dịch qua DVCTT mức độ 3, trong đó tỷ lệ tự làm đạt gần 30%”- Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Thị Minh Hằng khẳng định.
Không chỉ tại phường Đội Cấn, đầu tháng 8/2016, đồng loạt 14/14 phường của Ba Đình chính thức “vào cuộc” vận hành DVCTT mức độ 3 với quyết tâm cao. UBND quận chỉ đạo các phòng chuyên môn biên tập bài tuyên truyền cho cả 14 phường để phát trên loa. UBND 14 phường còn tiếp nhận tờ rơi tuyên truyền (do Sở TT&TT cấp) dán tại trụ sở, nhà văn hóa và phát tại BPMC; tuyên truyền bằng clip, trailer trên loa, tại các tòa cao tầng... Thực tế việc triển khai DVCTT mức độ 3 để cung cấp 13 DVC cấp phường và 11 DVC cấp quận tại Ba Đình ngày càng thu hút người dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực giải quyết TTHC.
Mở rộng hình thức tuyên truyền
Phó Trưởng Phòng VHTT quận Ba Đình Nguyễn Thị Nhàn chia sẻ: Nhận thức đúng chủ trương của TP, cán bộ từ quận đến phường rất cố gắng thuyết phục để người dân thực hiện, cùng nhiều hình thức tuyên truyền, nên đến nay, với mọi DVC cấp phường (lĩnh vực tư pháp) và cấp quận (tư pháp, văn hóa thông tin, quản lý đô thị) đều đảm bảo 100% hồ sơ được thực hiện trực tuyến. Ban đầu chủ yếu do cán bộ nhập hộ thì nay tỷ lệ người dân tự đăng nhập tại cấp phường đạt 50 - 70% hồ sơ.
Đáng chú ý, Hội Phụ nữ quận vừa tổ chức thành các cụm phường để tuyên truyền. Từng hội viên được Công ty Nhật Cường giới thiệu thao tác sử dụng DVCTT mức 3. Quận xác định đây là lực lượng đông đảo, khi được tuyên truyền, không cần trực tiếp họ thao tác mà có thể truyền đạt lại cho con, cháu. Với mỗi quy trình mới, UBND phường còn đặt tờ hướng dẫn tại bàn tiếp dân hoặc phát đến từng nhà. Ngoài ra, Phòng VHTT quận triển khai ý tưởng của thanh niên là dựng video clip giới thiệu DVCTT tại phường, đưa lên youtooth, facebook... Với quyết tâm cao, ngay trong tháng 8/2017, quận, phường còn phối hợp với 13 trường THCS và 20 trường tiểu học, thông qua giáo viên chuyên trách CNTT để tuyên truyền lồng ghép trong giờ ngoại khóa cho học sinh, để các em truyền đạt lại cho ông bà, bố mẹ, và còn là tiền đề để mai sau chính các em sử dụng DVCTT như một công cụ bắt buộc.
Tuy nhiên, theo bà Nhàn, hiện vẫn còn những vướng mắc trong phần mềm về tư pháp chưa được khắc phục. Sở TT&TT cũng đang đề nghị các phường bố trí 1 máy tính ở mỗi nhà văn hóa, cùng cán bộ hướng dẫn công dân, song khó nhất là chưa có cơ chế chính sách cho cán bộ trực; kinh phí mua sắm máy móc của các phường thì hạn hẹp, lại đang phải chi cho quá nhiều hoạt động.