Quận Bắc Từ Liêm: Cần nâng cao trách nhiệm chính quyền sở tại trong quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến thủy nội địa

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định, qua thực tiễn khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa tại quận Bắc Từ Liêm cho thấy nổi lên một số tồn tại, trong đó có vấn đề trách nhiệm liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, mà trực tiếp có trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền phường sở tại...

Thực hiện kế hoạch khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn TP Hà Nội, hôm nay (9/9), đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách - Ban Đô thị HĐND TP đã khảo sát thực tế một số khu vực cảng trung chuyển vật liệu xây dựng tại quận Bắc Từ Liêm và làm việc tại UBND quận.

Đại diện Phòng TN&MT quận cho hay, hằng năm UBND quận đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn trong đó có nâng cao nhận thức về quy định xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực này và hậu quả của khai thác khoảng sản trái phép. Năm 2019, UBND quận tổ chức 1 đợt tập huấn chuyên sâu về chính sách pháp luật liên quan quản lý bảo vệ khoáng sản và ban hành văn bản về tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật lĩnh vực này; từ chỉ đạo của UBND quận, các phòng, ban, UBND phường tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền tại 13 phường với 3.000 người tham gia. Trên địa bàn hiện có 1 mỏ cát tại phường Liên Mạc, đã được đánh giá trữ lượng phục vụ đấu giá, không có hiện tượng khai thác khoáng sản và sử dụng đất trái phép; có 37 điểm, bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng tại các phường Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát, Đông Ngạc; đồng thời tại 4 phường này có 3 cảng thủy nội địa và 5 bến thủy nội địa.

 Đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực Cảng Hoàng Bình (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm)

Thực hiện quản lý, kiểm tra, xử lý, năm 2018 trên địa bàn quận đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm mua khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp với khối lượng 9.500m3, trị giá 518.130.000 đồng; báo cáo TP ban hành quyết định xử phạt số tiền 35.000.000 đồng và tịch thu khối lượng cát này, sau đó UBND quận bán đấu giá thu về 528.130.000 đồng nộp NSNN. Năm 2019, Công an quận phát hiện lập hồ sơ và phối hợp phát hiện lập hồ sơ, xử lý 23 vụ khai thác khoáng sản trái phép, tạm giữ 23 tàu thủy, với hơn 737 triệu đồng xử phạt thu về NSNN. Năm 2020, Công an quận phát hiện, lập hồ sơ và phối hợp phát hiện, lập hồ sơ đến nay tổng cộng 24 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, từ đó tạm giữ 9 tàu thủy, xử phạt vi phạm hành chính thu về NSNN hơn 116 triệu đồng, khởi tố 19 đối tượng.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận chia sẻ, khó khăn hiện nay là tại quận có tuyến đường sông dài trên 8km trong khi lực lượng mỏng, thời gian bắt giữ và đưa phương tiện vi phạm đến địa điểm tạm giữ kéo dài; với biện pháp xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật là cát) thì khối lượng cát nhiều nhưng không có địa điểm trông giữ. Địa bàn quận lại giáp ranh nhiều quận huyện nên các đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh để hoạt động chộp giật. Hơn nữa, tài nguyên khoáng sản mang lại lợi nhuận cao song chưa có cơ chế quản lý, sử dụng hợp lý; chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, nhất là khó xử lý hình sự. Từ đó, UBND quận kiến nghị HĐND TP có ý kiến đề nghị UBND TP sớm tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với mỏ Liên Mạc để tránh tình trạng khai thác trái phép và tạo nguồn thu cho NSNN; xem xét lập, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi và cấp giấy phép bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông theo quy định tại Nghị định 23 ngày 24/2/2020 để các bến bãi hoạt động đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

 Quang cảnh buổi làm việc tại UBND quận Bắc Từ Liêm

Qua khảo sát thực tế và trao đổi của đại diện sở, ngành, quận và các phường, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân thay mặt đoàn khảo sát đánh giá quận Bắc Từ Liêm rất nghiêm túc triển khai các kế hoạch của TP để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, UBND phường trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến thủy nội địa trên địa bàn. Quận cũng chú trọng phối hợp các sở, ngành thành lập đoàn kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết yêu cầu các bến bãi không đủ tiêu chí thì dừng hoạt động, từ đó đã có 11 bến bãi dừng hoạt động. Với những bến đủ điều kiện nhưng chưa được cấp phép thì quận tăng cường quản lý, với những bến đang hoạt động đều cơ bản đều chấp hành quy định.

Dù vậy, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cũng nhận định qua thực tiễn khảo sát cho thấy còn nổi lên một số tồn tại, trong đó có vấn đề trách nhiệm liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, mà trực tiếp có trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền phường sở tại, trách nhiệm chấp hành của chủ bến bãi, trách nhiệm phối kết hợp hướng dẫn kiểm tra của các sở, ngành TP. Từ đó, Trưởng Ban đề nghị UBND quận tiếp tục bám sát các sở, ngành để thực hiện đúng hướng dẫn của TP trong công tác quản lý này, kiên quyết yêu cầu các bến chưa đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động; với những địa điểm chưa có trong quy hoạch nhưng đủ tiêu chí thành lập thì cần hướng dẫn chủ bãi thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai, bến thủy nội địa, môi trường; với địa điểm đã được cấp giấy phép thì phải chấp hành đầy đủ điều kiện theo Thông tư 23 (về kiểm soát nguồn gốc và khối lượng vật liệu xây dựng thông qua hệ thống cân, giám sát các hoạt động thông qua camera an ninh…). Việc lắp đặt các hệ thống này của các chủ đầu tư sau này cần được kết nối với hệ thống kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

“Mong rằng chính quyền quận và các phường trên cơ sở chức năng nhiệm vụ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Nếu ở những địa điểm này nhất là nơi không được cấp phép mà xảy ra mất an ninh trật tự thì liên quan trách nhiệm rất nhiều cấp ngành thậm chí của cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương. Về phía sở, ngành cũng cần rà soát mọi nhiệm vụ được giao từ năm 2018 đến nay để tiếp tục tham mưu TP, đưa công tác quản lý này vào khuôn khổ, nhất là những vấn đề luật pháp mới được điều chỉnh”- ông Nguyễn Nguyên Quân nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần