Quận Cầu Giấy: Đầu tư trọng điểm, hiệu quả lâu dài

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, quận Cầu Giấy đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng. Những thành quả này sẽ là tiền đề quan trọng để quận Cầu Giấy vững bước đi lên trong thời gian tới, đáp ứng theo yêu cầu TP đề ra.

Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 6 trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Hải
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, những năm qua, các thế hệ cán bộ quận và các tầng lớp Nhân dân quận đã phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quận Cầu Giấy theo hướng văn minh, hiện đại, “xanh - sạch - đẹp”, là điểm đến lý tưởng của người dân và DN. Cụ thể, quận Cầu Giấy đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ, giai đoạn 2008 - 2018. Trong đó, đầu tư 5.361 tỷ đồng với 860 dự án nhằm tăng cường công tác đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, chỉnh trang diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, nâng cao đời sống dân sinh và phòng chống các tệ nạn xã hội.
Về giáo dục đào tạo, từ chỗ chỉ có 31 trường công lập vào năm 2008, đến nay, quận có 35 trường công lập, trong đó 26 trường đạt chuẩn Quốc gia. Sau 10 năm phát triển, đến thời điểm này quận đã đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại và cải tạo mở rộng 22 trường học với tổng mức đầu tư 1.995 tỷ đồng, trong đó một số trường mang tầm quốc gia và khu vực như trường THCS Nghĩa Tân, mầm non Hoa Hồng, THCS Mai Dịch, mầm non Nghĩa Đô… Với sự đầu tư như vậy, Cầu Giấy đã trở thành một thương hiệu về giáo dục của Thủ đô với 9 năm dẫn đầu TP về kết quả thi vào lớp 10.
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế quận Cầu Giấy đã phát triển theo cơ cấu dịch vụ - thương mại - xây dựng - công nghiệp, trong đó giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại tăng bình quân 17,6%/năm; Xây dựng - công nghiệp tăng bình quân 13%/năm, chiếm 38,2% cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, quận đã xây dựng Khu CNTT tập trung đầu tiên của TP, thu hút trên 300 DN đầu tư sản xuất. Hiện nay, với 13.500 DN cùng 5.400 hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn, Cầu Giấy đang là quận có số DN nhiều nhất của Hà Nội.
Cùng với đó, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12, quận Cầu Giấy đã giảm được 556 hộ nghèo đạt 125% kế hoạch của TP, đến nay quận không còn hộ nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm, quận tổ chức ngày hội hướng nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm bình quân 5.000 lao động/năm; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xét, cho vay vốn 1.629 dự án với kinh phí 154,490 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 9.490 lao động.

Ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trong suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, quận đã nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan cấp trên và sự nhiệt thành ủng hộ của người dân trên địa bàn. Đó là động lực để các thế hệ lãnh đạo quận vững tin thực hiện các giải pháp đưa quận Cầu Giấy ngày càng phát triển.

Ông Tuấn Anh chia sẻ, một trong những bước đệm để quận Cầu Giấy thành công trong quá trình phát triển chính là sự mạnh dạn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các thế hệ lãnh đạo quận. Trong 10 năm qua, ngoài việc xây mới, cải tạo các cơ sở giáo dục, văn hóa, sân thể thao… quận đã hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khung, trục xuyên tâm gồm: Đường Vành đai 2.5, đường nối từ đường Vành đai 3 đến trường THCS Dịch Vọng Hậu, mở rộng lòng đường các tuyến đường Trần Thái Tông, Trần Vỹ, phố Trần Quốc Hoàn, đường Trần Quý Kiên kéo dài... tuyến đường Bảo tàng Dân tộc học - Yên Hòa - Phú Đô… Quận cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng một số tuyến đường như đường Trần Đăng Ninh kéo dài, đường nối từ đường Cầu Giấy đến khu đô thị mới Dịch Vọng…
“Sự đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô không chỉ có tác dụng, hiệu quả tại thời điểm hiện tại mà sẽ trở thành tiền đề quan trọng để quận Cầu Giấy vững bước đi lên trong tương lai” - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh nhấn mạnh.