Quản chặt chi tiêu công

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo Chính phủ vừa trình Quốc hội, tổng tài sản Nhà nước hiện đang có 1,04 triệu tỷ đồng. Thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm kinh phí mua sắm tài sản công.

Đến nay, trên cả nước đã có 79 bộ, ngành, địa phương công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung và tổ chức thực hiện mua sắm theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013.

Riêng Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm 2016 đã mua sắm tập trung 6 gói thầu với tổng trị giá giảm khoảng 22,9 tỷ đồng so với dự toán đăng ký nhu cầu. Như vậy, việc đấu thầu giúp tránh tình trạng mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Dù đã có nhiều giải pháp tiết kiệm, tuy nhiên, thực tế mua sắm tài sản công hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề. Năm 2016, trong bối cảnh Bộ Tài chính tiên phong thực hiện thí điểm khoán xe công thì con số xe công mua mới lại tăng gấp đôi, lên đến con số gần 1.200 xe, trị giá 1.222 tỷ đồng. Các hạn chế trong mua sắm tài sản công được người đứng đầu Bộ Tài chính chỉ ra là chưa có quy định thống nhất về nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung chậm. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản công còn có tính chất nhỏ lẻ, manh mún do nhiều chủ thể cùng thực hiện. Việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công cần quản lý. Ý thức nhiều bộ, ngành, địa phương trong báo cáo tình hình mua sắm công hàng năm vẫn chưa cao.

Có thể thấy, vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến việc tiết kiệm chi tiêu, mua sắm tài sản công chưa thật sự hiệu quả. Vì thế, các giải pháp mạnh tay hơn cần được triển khai. Mới đây, trong Dự thảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tài chính trình Chính phủ, việc thực hành tiết kiệm sẽ tập trung vào quản lý sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công… Các biện pháp quyết liệt cũng được đưa ra như thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; thực hiện nghiêm việc xử lý các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định… Nếu phê duyệt minh bạch, giám sát chặt chẽ các hoạt động chi tiêu công như chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản… sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn nhiều. Ngân sách không những tăng thu mà tiền thuế của dân cũng sẽ được sử dụng một cách ý nghĩa hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần