Quan điểm của Bộ Xây dựng là xử lý, phá dỡ công trình xây dựng sai phép

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tại buổi họp báo quý II do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 2/8 tại Hà Nội.

Vị Thứ trưởng này đặt câu hỏi: Tại sao tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng có dấu hiệu “nhờn” thuốc? Câu trả lời là, chủ yếu do việc hợp thức hóa sai phạm. Đã có rất nhiều công trình lớn xây dựng không phép, sai phép nhưng thay vì bị phá dỡ, bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu thì lại được hợp thức hóa các sai phạm và cho tồn tại.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang chi 10 tỷ đồng tiền ngân sách để xây dựng cơ sở dữ liệu.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, theo thống kê, cả nước ước chừng có khoảng 60.000 giấy phép khác nhau gồm cả dự án lớn và nhỏ. Tình trạng vi phạm giấy phép (không phép, sai phép) thì phải xem xét trong cả quá trình. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật quản lý trật tự xây dựng, hướng dẫn cấp phép xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Việc xử lý thì có chế tài, theo Nghị định 180 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Nghị định 121 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Hiện tỷ lệ công trình vi phạm giảm đi hàng năm, trong 5 năm qua giảm khoảng 10-20%.
"Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng sai phép, không phép tùy quy mô. Nguyên tắc giải quyết là tất cả các công trình sai phép, không phép đều phải đình chỉ", Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định.
Với các công trình không phép thì phải thực hiện thủ tục xin phép, nếu không thì cưỡng chế phá dỡ. Công trình sai phép thì đối chiếu với giấy phép, nếu không thể thay đổi giấy phép thì buộc phá dỡ.
Cũng tại buổi họp, liên quan đến tình hình hàng loạt những báo cáo thả trôi về tình hình thị trường bất động sản, ở góc độ cơ quan quản lý ông Hùng cho biết, Bộ Xây dựng không cấm những thông tin báo cáo về thị trường nhưng kiểm soát thông tin để không làm sai lệch thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết thêm, mấu chốt vấn đề là người sử dụng thông tin cần chọn lọc vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác. Cơ quan Nhà nước nhận chính thức về xã, phường, lên đến thành phố, Sở Xây dựng báo cáo về Bộ theo đinh kỳ. Còn lại những thông tin khác của các doanh nghiệp, hiệp hội chỉ để tham khảo.
Ngoài ra, ông Ninh cho rằng, văn bản pháp luật có rồi nhưng căn cứ vào điều kiện cụ thể. Trung tâm thông tin cũng phải tổ chức đấu thầu, xây dựng đường truyền. Hiện, Bộ Xây dựng vẫn phải thực hiện thủ công là tập hợp báo cáo. Ông Ninh lấy ví dụ, tại Hàn Quốc mất 26 triệu USD và trong vòng 4- 5 năm mới xây dựng xong hệ thống cung cấp thông tin thị trường BĐS trên cả nước.
“Hiện, Bộ Xây dựng đang giao cho trung tâm thông tin triển khai xây dựng và mất gần 10 tỷ đồng tiền ngân sách xây dựng cơ sở dữ liệu. Thông tin chuẩn xác cho 63 tỉnh thành cần thời gian dài. Trước mắt các thành phố lớn. Ngân sách các tỉnh cũng rất hạn hẹp. Sắp tới Bộ Xây dựng có đoàn đi để đẩy mạnh vấn đề này”, ông Ninh cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần