Quận Hai Bà Trưng bảo đảm an ninh trật tự khu vực trường học

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, tại các trường trên địa bàn gần đây không còn xảy ra nhiều vụ việc về an ninh trật tự (ANTT), ùn tắc giao thông giảm đáng kể.

Việc phối hợp chặt chẽ “nhà trường - gia đình - xã hội” trong quản lý, giáo dục, đưa đón học sinh, đã ngăn chặn hiện tượng học sinh bỏ học, đi xe máy đến trường… 

Dân phòng tự quản và Công an phường phối hợp với bảo vệ nhà trường đảm bảo không ùn tắc trước cổng trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) trước giờ vào học

Năm 2016, tại quận có 23 nhân viên bảo vệ của 20 trường được ban giám hiệu (BGH) cử tham gia tập huấn nghiệp vụ bảo vệ do Công an TP và quận tổ chức, 70% trường được lắp camera…, đã hỗ trợ hiệu quả cho việc phối hợp đảm bảo ANTT.
Nhiều trường cũng chú trọng giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; phát thanh gần 400 buổi vào giờ ra chơi; thi vẽ, sưu tầm hơn 7.600 bức ảnh, tài liệu…, giúp nâng cao ý thức cho học sinh về ATGT. Mọi vi phạm ATGT của giáo viên, học sinh được chính quyền, công an báo về trường đều được xử lý. Các trường làm tốt là THPT Thăng Long, THCS Lê Ngọc Hân, TH Tây Sơn…
Đáng chú ý, nhiều phường như Lê Đại Hành, Bách Khoa, Đồng Tâm, Bạch Mai… đã trở thành những điểm sáng trong phối hợp với công an và nhà trường đảm bảo trật tự ATGT tại cổng trường. Phường Bạch Mai có 4 trường từ mầm non đến THPT thì có 3 trường trong ngõ. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: Khó khăn nhất là khu vực Tiểu học Bạch Mai do nằm trong ngõ, lại liên quan đến giao thông từ phố Hồng Mai với 2 bệnh viện, trụ sở UBND phường… Giữa năm 2016, UBND phường đề nghị và được Ban giám hiệu (BGH) thống nhất bố trí đưa đón học sinh chia theo giờ. Ngõ được đóng cọc, chăng dây phân ra 2 luồng vào mỗi giờ đưa đón học sinh, có biển chỉ rõ đường ra, đường vào. Trước tan học 15 phút, trường mở cổng cho phụ huynh đứng chờ trong khung sân có kẻ vạch, rồi giáo viên đưa học sinh từng khối xuống, theo ưu tiên từ khối 1 đến 5. “Lúc đầu BGH chưa đồng thuận, vì lo mở cổng sớm thì trộm cắp trà trộn vào, nên phường phải huy động 4 - 5 người trực/buổi. Gần đây, việc phối hợp đã vào nếp, phường chỉ cần bố trí 1 - 2 cảnh sát trật tự, dân phòng tự quản mỗi giờ vào học, tan học. Từ khi triển khai, ùn tắc tại các cổng trường cơ bản được giải quyết” - ông Khoa cho biết.
Để việc đảm bảo ANTT, ATGT trường học đạt kết quả cao hơn, ngành GD&ĐT quận xác định phải nâng cao chất lượng phối hợp nhà trường - công an - chính quyền địa phương để kịp thời xử lý các vụ việc; yêu cầu các BGH kỷ luật thích đáng những giáo viên, học sinh nhiều lần vi phạm Luật Giao thông.
Tuy nhiên, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nguyễn Thu Hiền nhận định, số vụ vi phạm trong học sinh, sinh viên vẫn lớn; vẫn còn học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, trong khi việc xử lý chưa quyết liệt. Việc giáo dục pháp luật chưa xây dựng được tính tự giác cho học sinh... Một số trường trong ngõ hẹp, gần chợ, nên cũng khó đảm bảo trật tự đô thị, nhất là trước cổng một số trường bị lấn chiếm bán hàng, để xe. Bảo vệ ở nhiều trường lại chưa được trang bị phương tiện hỗ trợ, nhất là tại trường mầm non quy định chỉ có 2 bảo vệ, nên khó khăn khi phân công lịch trực và tuần tra trong các đợt cao điểm.
Đặc biệt, theo ông Khoa, mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng trong điều kiện giá cả hiện nay thì cán bộ dân phòng tự quản không đủ đảm bảo cuộc sống, chưa thể yên tâm làm việc. “Mỗi UBND phường đều có rất nhiều việc, nhưng cán bộ đô thị chỉ theo giờ hành chính, còn dân phòng tự quản phải thường xuyên hỗ trợ công an, nên có thể nói làm việc không kể ngày đêm. Do vậy, được hưởng chế độ tốt thì mới mong họ tích cực làm việc hơn” - ông Nguyễn Đăng Khoa nói.