Quận Hai Bà Trưng không chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Số ca mắc mới đã có xu hướng chững lại và giảm đi, song trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, đặc thù quận lại đông dân, nên tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp”, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Vân Anh nhận định.rn

Giảm dần ca mắc mới 
Tính đến 10/9/2017, tại 20/20 phường đã có 2.198 bệnh nhân SXH, với 336 ổ dịch; còn 152 bệnh nhân đang điều trị, 17 ổ dịch đang hoạt động. Trong đó, có 13 ổ dịch quy mô phường (tại 13 phường), 4 ổ dịch quy mô tổ dân phố (tại 7 phường còn lại). Đáng chú ý, số ca mắc mới trong 4 tuần gần đây tuy vẫn cao, nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm đi. Trong đó, nếu thời điểm “đỉnh” của dịch (5-11/8) có 349 ca mắc mới thì số này đã giảm dần qua các tuần, đến tuần qua (4-10/9) chỉ còn 171 ca.
 Phun thuốc diện rộng tại 100% hộ dân khu dân cư số 9 phường Thanh Nhàn bằng máy phun ULV đeo vai trong chiều 11/9
Theo TTYT quận, có được kết quả này, quan trọng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận đến 20 phường. Toàn quận đã thành lập 1.390 đội xung kích, 211 tổ giám sát diệt bọ gậy phòng chống dịch SXH; tập huấn chuyên môn và hướng dẫn, thường xuyên giao ban rút kinh nghiệm. Tại 20 phường đồng loạt ra quân “Ngày thứ Bảy xanh phòng chống SXH”, sẽ duy trì đến khi khống chế được dịch. Ban chỉ huy quân sự quận cũng điều động 20 chiến sĩ tham gia đội phun hóa chất để phun dập dịch tại 20/20 phường. Từ 13/8 đến nay, lực lượng chức năng đã phun bằng máy công suất lớn trên ôtô ban đêm, kết hợp phun các khu công cộng, chợ, đình chùa, bãi đất trống, trường học tại 20/20 phường; phun mù nóng tại các công trường xây dựng Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, BV Ung bướu, Tổng cục Thuế, Đại học (ĐH) Bách Khoa, chung cư 201 Minh Khai, KTX các trường ĐH, các trường mầm non đến THPT; phun diện rộng tại 100% tổ dân phố, công trường, khu công cộng, trường học của 13 phường có ổ dịch quy mô phường. Đi liền với đó, công tác truyền thông cũng được đặc biệt chú trọng, với trên 500.000 tờ rơi đã phát ra.

Cùng với chiến dịch của quận, các phường cũng chủ động làm VSMT để thanh toán ổ bọ gậy tại các tổ trọng điểm. Theo ghi nhận của phóng viên tại Thanh Nhàn, là 1 trong 13 phường có ổ dịch quy mô phường, đã thành lập 124 đội xung kích và 12 tổ giám sát diệt bọ gậy phòng chống SXH (gần 400 người); triển khai 3 chiến dịch VSMT diệt bọ gậy, 5 đợt ra quân hưởng ứng “Ngày thứ Bảy xanh”. Phường cũng cùng TTYT quận tổ chức phun thuốc diệt muỗi bằng máy phun công suất lớn trên ôtô trên toàn phường và 2 công trường, 2 vòng phun thuốc diện rộng tại các hộ dân toàn phường bằng máy phun ULV đeo vai và phun mù nóng tại BV Thanh Nhàn, BV Ung bướu, các trường học. Ban chỉ đạo phòng chống dịch tích cực truyền thông cho cộng đồng về các biện pháp phòng chống, phát tờ rơi đến từng hộ, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH...
Riêng ngày 11/9, lực lượng chức năng đã phun thuốc diện rộng tại 100% hộ dân khu dân cư số 9 bằng máy phun ULV đeo vai (phun lần 3) và phun mù nóng tại các BV, trường học. Tổ trưởng Tổ 9E Phạm Đình Thành chia sẻ: “Nhờ phường tuyên truyền mạnh mẽ, hầu hết người dân đã rất quan tâm phòng chống dịch, chú trọng vệ sinh trong nhà, kiểm tra các bình chứa nước, sẵn sàng mở cửa cho lực lượng phun thuốc. Theo tôi, các biện pháp y tế diệt muỗi trưởng thành đã được làm tốt, song cần quan tâm diệt loăng quăng, bọ gậy”. Còn theo chị Chu Thị Miên (tổ 9E)-chủ hộ vừa được phun thuốc diệt muỗi bằng máy phun ULV đeo vai, từ khi khu được phun thuốc qua 3 lần, trong nhà ngoài ngõ thấy đỡ muỗi hẳn, người dân yên tâm. Gia đình chị cũng luôn ý thức không để các hốc nước tồn đọng.

Với những cố gắng này, đến 10/9, tuy chưa nhiều nhưng số ca mắc mới tại phường đã giảm dần, 5 tuần qua giảm từ 25 còn 17 ca. “Chỉ còn những ca dịch tản mát, ổ lẻ (1 bệnh nhân/hộ) chứ không còn ổ lớn như trước (3-4 bệnh nhân/hộ). Tính chất phức tạp của dịch giảm đáng kể, các ca dịch được khoanh vùng, xử lý kịp thời”, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Dương Thu Hương cho hay.

Chưa thể chủ quan

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, quận có đặc thù đông dân, trong khi điều kiện VSMT, trình độ dân trí nhiều hạn chế; nhiều khu vực thiếu nước sinh hoạt, tập quán ăn uống tạm bợ. Nhất là nhiều lao động tự do và sinh viên thuê trọ nên di biến động lớn, rất khó quản lý; nhiều công trường xây dựng của BV, nghĩa trang gia đình xen kẽ khu dân cư, bãi đất hoang trở thành điểm tập kết phế liệu phế thải dọc đường Nguyễn Khoái, khu bờ vở sông Hồng..., đều tiềm ẩn khả năng bùng phát dịch. Đây chính là những thách thức trong phòng chống SXH. Thực tế, các phường nhiều dịch đều là trọng điểm về VSMT và giáp ranh với các quận nhiều trường hợp SXH như Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Hơn nữa, hiện thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ trung bình vẫn cao, là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Nhất là điều kiện VSMT tại một số phường rất hạn chế, trong đó, chỉ số bọ gậy rất cao tại những khu vực có ổ dịch như phường Thanh Lương, Đồng Tâm, Trương Định...

Đặc biệt, “một số hộ dân chưa hợp tác, không cho vào kiểm tra, còn chủ quan, không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong các đợt chiến dịch VSMT-diệt bọ gậy-phun hóa chất tại cộng đồng, vẫn còn gần 20% hộ đi vắng, không thể phun hoặc không đồng ý cho phun. Nhận thức hạn chế của người dân còn thể hiện: Khi có bệnh nhân SXH, có người sốt, là yêu cầu y tế phun thuốc ngay, nhưng lại không thanh toán ổ bọ gậy, nên việc phun thuốc không hiệu quả”, bà Vân Anh nhận định.

Trước những khó khăn này, tới đây, quận sẽ tiếp tục khoanh vùng, xử lý ổ dịch quy mô tổ dân phố và quy mô phường, phun hóa chất diện rộng/7-10 ngày/đợt, đến khi khống chế được dịch; phun diện rộng tại các ổ dịch quy mô; tiếp tục đôn đốc, giám sát công tác phòng chống dịch SXH của các đội xung kích tại trường học, phun hóa chất vòng 3 tại các trường thuộc 13 phường trọng điểm. Đặc biệt, TTYT đã xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai phòng chống dịch SXH với các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn. Quận cũng sẽ chú trọng phối hợp UBND các phường đẩy mạnh kiểm tra các công trường, hộ cho thuê trọ, bãi đất trống, KTX sinh viên; nghiêm túc xử phạt những cá nhân, đơn vị không tham gia phòng chống dịch…

(Box) Hiện đã vào năm học, TTYT quận vừa đề nghị Phòng Giáo dục hướng dẫn, chỉ đạo các trường phối hợp với TTYT và các trạm y tế phường bố trí lịch phun hóa chất toàn trường, thành lập các đội xung kích tại chỗ để phòng chống dịch SXH. Quận cũng đề nghị TP khẩn trương cấp bổ sung kinh phí phòng chống dịch, các đơn vị tích cực phối hợp, hỗ trợ quận về chuyên môn phòng chống dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần