Quận Hai Bà Trưng: Chuyển biến rõ nét trong công tác giải phóng mặt bằng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quận Hai Bà Trưng hiện có khối lượng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất nặng nề, phức tạp. Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của TP, với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền từ quận tới các phường có dự án, công tác GPMB trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được kết quả đáng khích lệ.

Tại quận đã, đang và dự kiến triển khai thực hiện 43 dự án đầu tư xây dựng có thu hồi đất, GPMB, gồm: 1 dự án trọng điểm của TP là đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng), 10 dự án do UBND quận làm chủ đầu tư, 10 dự án do các đơn vị khác làm chủ đầu tư, 7 dự án đã bàn giao mặt bằng nhưng còn giải quyết tồn tại, 15 dự án đang chuẩn bị triển khai. Các dự án có diện tích thu hồi và kinh phí GPMB rất lớn (thu hồi 1.035.660,3m2 đất của 107 tổ chức, 4.153 hộ dân; kinh phí GPMB 23.237,7 tỷ đồng). 
Đoạn phố Minh Khai (phường Minh Khai) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, được quây tôn để thực hiện thi công phục vụ dự án Vành đai 2.
Đến nay, một số dự án đã hoàn thành GPMB: Đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - cầu Mai Động), xây dựng đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, xây dựng chung cư cao cấp Thanh Sơn, cụm dự án xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân - đường Thi Sách kéo dài - trường TH Ngô Thì Nhậm, xây dựng Bến rước nước, xây dựng mở rộng ngõ chùa Liên Phái, xây dựng trường THPT Đông Kinh, xây dựng trường THCS - THPT Văn Hiến, xây dựng Nhà văn hóa phường Thanh Lương, xây dựng nhà ở tại 54 ngõ 459 Bạch Mai...

Có được kết quả khả quan này, theo Ban QLDA đầu tư xây dựng quận, quan trọng nhất chính nhờ những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND quận về thực hiện GPMB dự án và công tác tuyên truyền vận động người bị thu hồi đất bàn giao mặt bằng.
Cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến các phường đã đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành quyết liệt, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB. Xử lý kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo của người dân, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cấp ủy, chính quyền nơi có dự án đã công bố rộng rãi các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chi tiết của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn giá bồi thường, hỗ trợ để Nhân dân biết, thực hiện đúng quy định. Phía chủ đầu tư cũng phối hợp chặt chẽ từ quận tới phường, thường xuyên đối thoại trực tiếp nhằm lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, kịp thời giải quyết vướng mắc, tạo đồng thuận cao trong triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện bồi thường hỗ trợ, GPMB, quận đã đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đúng pháp luật, không gây sách nhiễu Nhân dân...
Với riêng dự án đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng) qua địa bàn 4 phường (Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định, Đồng Tâm), dù quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn nhưng do làm tốt tuyên truyền vận động nên đến nay công tác GPMB đã đạt những thành tích đáng kể. Số hộ dân và tổ chức phải di dời, thu hồi đất để thực hiện dự án rất lớn (1.715 hộ, 76 tổ chức) song thực tế UBND quận không phải ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm đo đạc khảo sát hộ, tổ chức nào.
Tại Văn bản 163/TB-UBND ngày 20/2/2020 và 311/TB-VP ngày 21/8/2020, UBND TP đã “biểu dương UBND quận Hai Bà Trưng rất cố gắng, nỗ lực thực hiện công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của UBND TP”. UBND quận đang tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động để một số ít trường hợp còn lại chấp thuận bàn giao mặt bằng, phấn đấu trong tháng 10/2020 cơ bản hoàn thành GPMB dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần