Quận Hai Bà Trưng: Dần định hình chính quyền điện tử

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách hành chính luôn được quận Hai Bà Trưng coi là một khâu đột phá, với trọng tâm giảm thời gian chờ đợi, số lần đi lại của công dân và nâng chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức (CBCC) khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây chính là cơ sở để thời gian tới quận đặt mục tiêu tiến gần hơn tới “chính quyền điện tử”.

Giảm thời gian, tăng minh bạch

Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, việc thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại quận ngày càng nền nếp. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn ngày càng cao: Năm qua, cấp quận được nâng lên 99,95%, tại cấp phường tới 99,97%; trong đó tỷ lệ hồ sơ được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp quận đã đạt 99,75%, cấp phường đạt 100%. Đặc biệt, nhiều quy trình giải quyết TTHC được rút ngắn thời gian so với quy định, điển hình như thủ tục cấp phép xây dựng giảm từ 15 ngày còn 10 ngày, cấp Giấy chứng nhận đảm bảo ATTP từ 15 ngày còn 13 ngày... Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nội vụ, tư pháp, văn hóa - thông tin, kinh tế, tài nguyên - môi trường… đều có các thủ tục được rút ngắn thời gian.
 Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại điểm truy cập internet Nhà văn hóa địa bàn dân cư số 1 phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng).
Cùng với đó, quận rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Bà Nguyễn Minh Phượng (ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai) đến đăng ký khai sinh cho cháu tại bộ phận “Một cửa” (BPMC) phường chia sẻ: “Ra UBND phường, quận làm TTHC, tôi thấy BPMC khang trang hơn trước nhiều; lại được hướng dẫn tận tình, nhất là thực hiện DVCTT.
Hình thành “công dân điện tử”

Trong mục tiêu hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, Phó Chủ tịch UBND quận Vũ Văn Hoạt chia sẻ: Khi mới triển khai DVCTT mức 3, 4 cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng quận xác định trước hết cần sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, song bản thân người dân cần được trang bị kiến thức nhất định về CNTT. Và để xây dựng được chính quyền điện tử, trước hết phải có “công dân điện tử”. Nên trong điều kiện đến năm 2020 tại quận có 70% địa bàn có nhà sinh hoạt cộng đồng, quận sẽ chỉ đạo các phường khai thác nơi này hiệu quả nhất để góp phần hình thành công dân điện tử. UBND quận đã triển khai xã hội hóa lắp thiết bị, mạng để người dân thực hiện DVCTT tại nhà sinh hoạt cộng đồng các phường theo nguyên tắc “Nhà nước, Nhân dân, toàn xã hội cùng tham gia”. Trước mắt, đã triển khai tại phường Bùi Thị Xuân, Bách Khoa, Đồng Tâm; trong đó huy động đoàn viên trực hàng ngày, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT mức 3.

“Nhờ các điểm truy cập internet này giúp DVCTT mức 3 đang triển khai được người dân khai thác thực hiện TTHC nhanh chóng, giảm công sức, thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí; lại phần nào giảm tập trung đông người tại BPMC các phường” - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân Nguyễn Thị Huệ cho hay. Từ thành công bước đầu, UBND quận đang triển khai nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn. Song, theo ông Hoạt, khó khăn nhất là làm sao để người dân sử dụng, và quản lý việc khai thác trang thiết bị ở đây đúng mục đích. Chính vì thế trong thời gian tới, quận sẽ kết hợp với các trường ĐH trang bị thêm kiến thức CNTT cho người dân và CBCC tại BPMC; xây dựng quy chế hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng về khai thác thiết bị; đưa học sinh, sinh viên về hướng dẫn người dân thực hiện… UBND quận cũng đề nghị Sở TT&TT định hướng, hỗ trợ quận triển khai tốt DVCTT, khai thác tối đa nhà sinh hoạt cộng đồng.