Quận Hai Bà Trưng nỗ lực tăng hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tín dụng chính sách thể hiện là một công cụ đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo, thiếu vốn sản xuất kinh doanh (SXKD) và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”.

Đó là đánh giá của lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng tại hội nghị tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại quận diễn ra hôm nay (15/8). 
Tín dụng chính sách đi vào cuộc sống

Qua 15 năm, đến nay toàn quận có 10 điểm giao dịch của NHCSXH, tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 106,57 tỷ đồng, tăng 102,7 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập; nguồn vốn huy động đạt 14,279 tỷ đồng, tăng 14,279 tỷ đồng so với năm 2003.
 Lãnh đạo quận tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND quận cho các cá nhân làm tốt công tác tín dụng chính sách
Hiện NHCSXH tại quận đã đạt doanh số cho vay 465,16 tỷ đồng, với 26.178 lượt khách hàng được vay vốn; tổng dư nợ đến tháng 7/2017 đạt 106,299 tỷ đồng với 3.358 hộ vay đang dư nợ, tăng 102,48 tỷ đồng so với khi mới thành lập. Các nguồn vốn cho vay được quản lý tốt, 123 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động hiệu quả. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,23% tổng dư nợ. Bình quân mỗi năm, NHCSXH giải ngân cho vay hơn 1.745 hộ gia đình, góp phần giảm hơn 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo; mỗi năm vốn tín dụng chính sách (TDCS) giúp duy trì và hỗ trợ việc làm cho hơn 1.000 lao động, 50 hộ khuyết tật, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. 
Theo Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng Lê Thị Thanh Thủy, thông qua vay vốn NHCSXH, người dân được làm quen với tín dụng NH, có ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại việc cấp không của Nhà nước, hạn chế việc thiếu vốn kinh doanh thì vay nặng lãi từ tín dụng đen; đã mạnh dạn sử dụng tiền vay mở rộng SXKD nhỏ, buôn bán để tăng thu nhập. Thực tế đến nay, TDCS tại quận đã đi vào cuộc sống, thể hiện là một công cụ của chính quyền để giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm.

Là tổ trưởng Tổ TK&VV phường Thanh Lương-một tổ TK&VV hoạt động rất hiệu quả tại quận, bà Đàm Thị Duệ cho hay: Từ lúc thành lập chỉ có 5 tổ viên, khi NHCSXH mới triển khai cho vay, người dân còn e dè do chưa hiểu quy trình, thủ tục vay, lãi suất, sợ vay xong không trả được vì chưa có phương án SXKD, nhưng được UBND và Hội Phụ nữ phường vận động, giải thích, cán bộ NHCSXH tận tình hướng dẫn, họ đã mạnh dạn vay vốn mở rộng SXKD, cải thiện đời sống. Đến nay, tổ đã phát triển lên 60 tổ viên, quản lý dư nợ 2,9 tỷ đồng. “Thông qua vay vốn ưu đãi, tổ chúng tôi có nhiều hộ SXKD hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”, bà Duệ chia sẻ và cũng đề nghị Phòng Giao dịch NHCSXH quận tham mưu cấp trên để người dân được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi hơn, NH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể, các tổ TK&VV có thêm hình thức tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước…

Giúp người dân thoát nghèo, chống tái nghèo

Đánh giá hiệu quả thực hiện TDCS tại quận Hai Bà Trưng, Phó Giám đốc NHCSXH TP Đỗ Thanh Hiền cho rằng: Dù có số lượng lớn hộ vay, đối tượng vay dễ dẫn đến rủi ro, song nhờ có chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cán bộ nên chất lượng TDCS tại quận rất cao, nhiều phường không có nợ quá hạn, thể hiện hiệu quả đồng vốn vay, sự vào cuộc hướng dẫn của các hội đoàn thể...

Dù vậy, Phó Chủ tịch UBND quận Vũ Văn Hoạt-Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận đề nghị tới đây, các thành viên Ban đại diện HĐQT phát huy tốt hơn vai trò trách nhiệm, hỗ trợ cho các tổ TK&VV và UBND các phường, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục vay vốn để tạo thuận lợi nhất cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, cần củng cố chất lượng tín dụng ở các tổ TK&VV, tuyên truyền tốt để các hộ muốn thoát nghèo, hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn vay.

“Thực tế còn một số hộ nghèo chưa tiếp cận được vốn, một số lãnh đạo phường còn e dè trong đứng ra tín chấp để hộ nghèo được vay. Các tổ trưởng tổ TK&VV cần có giải pháp cho hộ nghèo sau khi vay được vốn thì bảo toàn được nguồn vốn, sử dụng đúng mục đích, có việc làm để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống, không tái nghèo. Đây là mục tiêu rất quan trọng mà Ban đại diện NHCSXH quận đang hướng tới”, ông Hoạt khẳng định và cũng kiến nghị TP điều chỉnh về phân cấp, bổ sung nguồn vốn vay, vì hiện nhu cầu vay của người dân rất cao. Quy định về pháp lý, giấy tờ cũng cần được điều chỉnh phù hợp, nhất là liên quan đến giấy ủy quyền, cam kết tín chấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần