Quận Hai Bà Trưng: Tháo gỡ nhiều khó khăn trong quản lý các đối tượng chấp hành án

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, chiều 25/10, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Công an quận Hai Bà Trưng, đại diện các phòng ngành và 3 phường Thanh Nhàn, Minh Khai, Quỳnh Lôi.

Nhiều vướng mắc khi Luật vào cuộc sống

Trung tá Đinh Tuấn Thành - Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS), Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: Quận Hai Bà Trưng là 1 trong 4 quận trung tâm, được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, phức tạp về trật tự an toàn xã hội của TP, với hơn 5.000 đối tượng quản lý nghiệp vụ, trong đó 3.328 đối tượng tiền án tiền sự, 757 người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng. Cơ quan THAHS đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động các nghị quyết liên tịch gắn với cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, lầm lỗi, người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Quận đang thực hiện chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma túy trên địa bàn”. Các phường cũng có những chuyên đề hay, như “Nâng cao công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng” (phường Minh Khai), “Vận động các tổ chức kinh tế, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương (Bạch Đằng), “Vận động toàn dân tham gia tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” (Cầu Dền, Bách Khoa)… Cơ quan THAHS Công an quận cũng chỉ đạo công an các phường, đội phối hợp với các phòng ngành, đoàn thể phân công nhiệm vụ vận động các đối tượng tham gia xây dựng gia đình, tổ dân phố, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học an toàn và tham gia tố giác tội phạm, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú…

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến từ UBND quận, Công an quận, lãnh đạo UBND và Công an các phường, hiện công tác này trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Luật THAHS được Quốc hội thông qua ngày 1/7/2011 và lực lượng công an mới đảm nhận nên công tác thi hành án treo, phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm việc nhất định, tước một số quyền công dân… đang tiếp tục phải khắc phục những hạn chế để THA đúng luật. Số người bị kết án tăng lên, trong khi cơ sở vật chất biên chế, cán bộ chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ THA đề ra; hệ thống pháp luật về THAHS lại chưa quy định chế tài xử lý các trường hợp không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người chấp hành án tại địa phương, nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Hơn nữa, Luật THAHS ban hành từ năm 2010 đến nay có những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, Nhân dân nhận thức còn hạn chế về công tác đặc xá, THAHS, còn biểu hiện kỳ thị các đối tượng này; việc huy động các cơ quan, DN tham gia giúp người được đặc xá ổn định cuộc sống cũng khó khăn…

Tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng tái hòa nhập

Trước những khó khăn, bất cập trong thực tế triển khai, Cơ quan THAHS Công an quận kiến nghị TP cần mở lớp tập huấn chuyên sâu về công tác THAHS cho cán bộ cấp cơ sở trực tiếp làm công tác này; quan tâm trang bị cơ sở vật chất, biên chế tổ chức cho cơ quan THAHS các cấp. Đặc biệt, cần có chế độ chính sách phù hợp với các cán bộ chiến sỹ, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác này tại địa phương (gồm cả lực lượng bán chuyên trách). Bên cạnh đó, T.Ư cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật THAHS và văn bản liên quan để nâng cao chất lượng công tác này, tránh thiếu sót.

Lắng nghe các ý kiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam ghi nhận những cố gắng của quận trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này và cho biết sẽ đề nghị Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể để các phường chi thêm chế độ cho các cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện theo dõi quản lý các đối tượng tại địa phương. Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu ngoài những mô hình, cách làm hay ở các phường, quận cần có biện pháp nghiệp vụ quản lý riêng với những đối tượng nguy hiểm, đi liền với vận động giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, như hướng dẫn đào tạo nghề, chính quyền dành kinh phí nhất định cho các cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho đối tượng có công việc ổn định… Quận cũng cần tham mưu cho TP có cơ chế chính sách dành cho các đối tượng, như được vay với lãi suất ưu đãi để thành lập DN. Bên cạnh đó, quận cần chú công tác tuyên truyền trong Nhân dân; Công an quận tăng cường phối hợp với Công an phường theo dõi sổ sách về các đối tượng này, quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho công an phường để tạo điều kiện cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần