Quan hệ Mỹ - Nga - Trung thay đổi thế nào dưới thời Tổng thống Trump?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn không có nhiều kinh nghiệm chính trường, việc ông Donald Trump sẽ xử lý các mối quan hệ đối ngoại là điều thế giới quan tâm.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, cục diện chính trị thế giới xoay quanh 2 trục chính là xuyên Đại Tây Dương (quan hệ Nga - Mỹ) và xuyên Thái Bình Dương (quan hệ Trung Quốc - Mỹ).
Với các phát ngôn của ông Trump, có thể dự báo quan hệ giữa 2 ông lớn Nga - Mỹ sẽ “ấm” và phát triển hơn. Nhờ đó, có khả năng 2 điểm nóng trong thời gian qua gây ra mâu thuẫn chính giữa Nga và phương Tây là khủng hoảng Syria và Ukraine sẽ được giải quyết, theo cách của Donald Trump.
Còn ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao cho biết, việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ là một điều bất ngờ. Kể từ khi bắt đầu tranh cử cho đến khi thắng cử, ông Trump thể hiện là một người không có kinh nghiệm chính trị.
“Đứng ở ngoài chỉ trích chính quyền thì rất dễ, nhưng khi đứng ở bên trong thì lại không dễ dàng”, ông Thái nói. Bên cạnh đó, ông Trump thường có các phát biểu gây tranh cãi, đảo lộn các giá trị thông thường nên theo ông Thái, việc dự báo chính sách dưới thời “Tổng thống Trump” là vô cùng khó đoán. Nhất là trong bối cảnh chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường, điều này gây ra không ít lo ngại.
Về chính sách đối ngoại, ông Thái cho hay, ưu tiên của ông Trump không phải là chính sách đối ngoại. Nhưng xét về phát biểu ủng hộ Tổng thống Nga Putin của ông Trump thì có thể dự báo, quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào bộ máy chính quyền mà đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn chưa chỉ định bộ máy.
Cũng theo ông Thái, ở khu vực châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc, trong quá trình tranh cử, ông Trump đã tuyên bố, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là mối nguy với Mỹ nên có thể trong tương lai sẽ có các biện pháp mạnh đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Việc quan hệ thương mại bị ảnh hưởng có thể sẽ ảnh hưởng đế quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực nói chung.
Tại khu vực châu Á, “số phận” của chính sách xoay trục tại châu Á - Thái Bình Dương - “di sản” đối ngoại của Tổng thống Obama cũng được quan tâm. Thiếu tướng Cương khẳng định, chính sách này quyết định lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh của Mỹ. Sau 10 năm sa lầy tại Iraq và Afghanistan, vai trò và lợi ích của Mỹ bị đe dọa. Chính vì điều này, Mỹ thực hiện chính sách xoay trục nhằm khôi phục vị thế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được coi là địa bàn chiến lược của thế giới. Nước Mỹ có lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh ở đây. Do vậy, khó có khả năng Washington thay đổi chính sách.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Cương nhấn mạnh, chính sách xoay trục không phải chỉ kéo dài một nhiệm kỳ mà xuyên suốt nhiều thập kỷ. Không một Tổng thống nào mạo hiểm bỏ đi chính sách này. Nếu có thì chính Quốc hội cũng sẽ không cho phép, ông Cương nhấn mạnh. “Có chăng, sự khác biệt chỉ là vấn đề cách thức triển khai và tốc độ thực hiện mà thôi”, ông Cương nói.