Quan hệ Mỹ - Nhật: Đồng minh số một

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mọi dấu hiệu được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện đến nay đều thiên về hướng cho thấy, Nhật Bản hiện tại được ông Biden coi trọng nhất trong số những đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ.

 Ảnh minh họa
Đầu tháng 4 tới, Thủ tướng Nhật Bản Yohihide Suga sẽ làm khách nước ngoài đầu tiên của ông Biden ở Nhà Trắng, gặp gỡ trực tiếp ở thời buổi dịch Covid-19. Ông Suga là một trong số lãnh đạo quốc gia đầu tiên điện đàm sau khi ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhật Bản được lựa chọn làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của cặp tân bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Hai cuộc gặp cấp cao trực tuyến đầu tiên của ông Biden với các đồng minh, đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ là nhóm G7 và khuôn khổ Tứ giác kim cương cũng đều có sự tham dự của ông Suga.
Vì sao vậy? Câu trả lời nằm ở chỗ ông Biden hiện phải ưu tiên đối nội trước đối ngoại và trong đối ngoại cần ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn cho khu vực châu Âu cũng như cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc nhiều hơn với Nga. Nhật Bản vì thế chiếm vị trí then chốt trong mức độ hiện tại của chính sách đối ngoại của ông Biden. Để đối phó Trung Quốc và rồi đây để xử lý vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, ông Biden không thể không dựa cậy vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Để thúc đẩy ý tưởng về khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "mở cửa, tự do và thịnh vượng", Mỹ không thể không coi trọng, tranh thủ Nhật Bản. Trong mọi hình thức và cấp độ tập hợp lực lượng hay liên kết mà ông Biden tìm kiếm trên thế giới cũng như ở khu vực này cùng đối phó Trung Quốc đều không thể thiếu vắng Nhật Bản. Chính quyền của ông Biden xác định đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc là một trong những định hướng trọng tâm về chính trị an ninh, quân sự, đối ngoại và kinh tế đối ngoại thì đối tác thích hợp nhất mà Mỹ cần tranh thủ, lôi kéo trước tiên chỉ có thể là Nhật Bản.