Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/9, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức.

Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2019 đã trở thành một sự kiện thường niên, là cơ hội để cộng đồng DN hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương, đặc biệt là các cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Bảo Quốc

Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam - Hoa Kỳ không thể thiếu nhau
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được bình thường hóa kể từ năm 1994, tại thời điểm đó kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 220 triệu USD. Năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng lên 1,4 tỷ USD và liên tục tăng trưởng nhanh chóng đến năm 2018 đạt 58,8 tỷ USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 35,4 tỷ USD. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019 khi nói đến các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, tính chất bổ trợ là đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong khi Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế lợi thế cạnh tranh dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi hay lợi thế nhân công như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử... Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ làm đầu vào cho hoạt động sản xuất... để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng rất nhanh của nền kinh tế.
Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ngày càng quan tâm các sản phẩm "Made in USA", Việt Nam được dự báo là thị trường cực kỳ tiềm năng cho các DN Hoa Kỳ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, từ sản phẩm nông nghiệp, viễn thông, hàng không, năng lượng, tới dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh tế số, y tế, giáo dục...
Việt Nam làm gì để tránh xung đột thương mại với Hoa Kỳ?
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, quan hệ thương mai Việt Nam - Hoa Kỳ có tính chất bổ trợ tương hỗ lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng không phải không có sự xung đột, tranh chấp lẫn nhau trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt, cuộc xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn biến theo chiều hướng khó đoán định trong thời gian tới.
Vì vậy, Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ lần này đã quy tụ được nhiều Diễn giả uy tín uy tín trong lĩnh vực chính sách công, luật thương mại quốc tế, sản xuất và xuất nhập khẩu... từ nhiều cơ quan, tổ chức và DN như Vụ Thị trường châu Âu - Châu Mỹ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư... và một số DN xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng...
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Bảo Quốc

Theo ông Trần Toàn Thắng (Trung tâm TT và Dự báo KTXH Quốc gia), trong bối cảnh xung đột thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đối với nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Điều quan trọng chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội và hạn chế các thách thức.
Vì vậy, các cơ quan chức năng của Chính phủ cần phải rà soát ưu đãi đầu tư; chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; cghiên cứu tận dụng làn sóng chuyển đổi cổ phẩn hóa các doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi DN thông qua hình thức sáp nhập; nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay; rà soát và hoàn thiện khung khổ luật pháp về môi trường; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về dự phòng rủi ro đối với các DN đầu tư trong nước.
Để duy trì mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hòa kỳ phát triển bền vững, tránh xảy ra xung đột, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã xây dựng các biện pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp đó là: Tăng cường cảnh báo, kiểm tra chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ; hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra nước ngoài; hoàn thiện khung pháp lý để ngăn ngừa hành vi lẩn tránh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan.
Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo, nguy cơ xung đột thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vì hiện nay, lợi dụng những kẻ hở trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các mặt hàng như nhôm, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử, thủy sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời... của một số nước tìm cách "lấy xuất xứ" của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Cho nên, các cơ quan quản lý, DN cần chung tay ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ: Triển khai quyết liệt Quyết định 824/QĐ-TTg để phát triển xuất khẩu, nhập khẩu bền vững, bảo vệ lợi ích của các DN, người sản xuất chân chính.