"Quan hệ Việt - Mỹ không phụ thuộc vào việc Tổng thống tới từ đảng nào"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh liên quan tới công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018.

Trao đổi trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm sáng 15/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ nhận định về quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia lớn trong năm 2018.

Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tiếp tục phát triển, các chuyến thăm trong năm vẫn diễn ra. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tổng kết lại 2018, con số này là hơn 100 tỷ USD về 2 chiều. Đó là những mặt hết sức tích cực trong quan hệ giữa 2 nước.

Đương nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai bên, đặc biệt là vấn đề trên biển. “Hiện chúng ta có 3 cơ chế trên biển với Trung Quốc. Đó là hợp tác về những vấn đề ít nhạy cảm, hợp tác phân định bên ngoài và hợp tác cùng phát triển. Các vòng đàm phán về các cơ chế này vẫn tiếp tục”, Phó Thủ tướng cho biết.

Nhìn nhận về quan hệ Việt Nam – Mỹ, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hai nước có quá trình phát triển quan hệ từ cựu thù cho tới quan hệ đối tác toàn diện.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. 

"Bất cứ tổng thống thuộc đảng nào thì chúng ta đều duy trì quan hệ với Mỹ, không phải trên cơ sở cá nhân mà với cơ sở đất nước, chính quyền. Do đó quan hệ Việt – Mỹ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự thay đổi nào dù là từ đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Điều đáng mừng là cả hai đảng đều ủng hộ quan hệ Việt Nam – Mỹ", Phó Thủ tướng nói. 

Trong năm 2018, quan hệ Việt Nam – Mỹ phát triển hết sức tốt đẹp, trong đó hợp tác về lĩnh vực quốc phòng phát triển rất tốt, với việc lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam. Sự kiện chưa từng có này cho thấy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, theo Phó Thủ tướng.

Chuẩn bị của Việt Nam cho cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung?

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nền kinh tế Việt Nam với đặc tính mở sẽ chịu tác động từ những diễn biến kinh tế thế giới. “Nếu chiều hướng thuận sẽ tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, mặt khác tác động ngược sẽ cản trở sự phát triển bởi chúng ta đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực khá sâu”.

Hiện có nhiều đánh giá về tác động của cạnh tranh, xung đột về thương mại Mỹ - Trung, nếu tiếp tục như hiện nay hoặc tiếp tục áp thuế bổ sung thì GDP toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó một khi tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu giảm cũng sẽ ảnh hưởng lên Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có một số nhận định rằng, mặt hàng của Việt Nam có cùng trong danh sách bị đánh thuế của hai bên, có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Nhưng căn bản là nền kinh tế Việt Nam phải chống chọi được cú sốc bên ngoài, cần phát triển nền kinh tế độc lập.

Chốt lại, kinh tế Việt Nam sẽ phải  ứng phó không chỉ cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ - Trung Quốc mà có rất nhiều cạnh tranh trong tương lai, kể cả các nước phát triển với nhau. Do đó, điều cần thiết là tạo ra để nền kinh tế chống lại các sức ép đó.

“Mọi quốc gia đều đang phải xem xét cách ứng xử một khi các nước lớn xảy ra cạnh tranh”, Phó Thủ tướng chia sẻ. “Về phía Việt Nam, chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, trên cơ sở đa dạng hóa, đa phương hóa, và quan trọng là tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc. Trong đó, chúng ta cương quyết không ủng hộ những hành động ảnh hưởng môi trường hòa bình, ổn định, bởi duy trì môi trường hòa bình, ổn định khu vực là một trong những mục tiêu đối ngoại của Việt Nam. Và trong quá trình đó, Việt Nam vẫn đa dạng hóa quan hệ, trên cùng lợi ích có thể phát triển”, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.