Quản lý an toàn thực phẩm: Tăng thanh tra đột xuất

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.

 Tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực ATTP là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong năm 2018.

Vẫn còn thực phẩm chưa an toàn
Kết quả giám sát ATTP năm 2017 cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt các yêu cầu về điều kiện ATTP là 97,3%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu gần 93,2%. Điều đáng ghi nhận, kết quả phân tích 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm qua, không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Sabultamol.
Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh vẫn chiếm 0,63%. Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89%. Trong khi tỷ lệ mẫu rau củ quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn 0,6%. Dù các thông số đều giảm so với năm 2016, song ATTP vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

Đối với TP Hà Nội, trong năm qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vấn đề ATTP đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm chưa an toàn vẫn còn khá phổ biến. Điều này được thể hiện qua kết quả phân tích 610 mẫu thực phẩm, các cơ quan chức năng phát hiện 77 mẫu vi phạm quy định về bảo đảm ATTP, chiếm khoảng 12,6% tổng số mẫu. Đối với 180 mẫu thực phẩm chế biến, cũng phát hiện 8 mẫu không đạt các chỉ tiêu về ATTP. Bên cạnh đó, trong tổng số 367 cơ sở được TP đánh giá, vẫn còn tới 100 cơ sở xếp loại C hoặc không đủ điều kiện xếp loại.
 Ảnh: Trọng Tùng
Đồng bộ các giải pháp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị, thời gian tới, cần chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, nêu tên những cơ sở vi phạm ATTP để người dân nhận biết, không sử dụng.
"Định hướng lâu dài là cần xây dựng và phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nông nghiệp tốt và hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn"- Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Thực tế trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn được các địa phương đẩy mạnh. Thống kê đến nay, đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 18.200ha, 500 cơ sở nuôi thủy sản với tổng diện tích 2.618ha được cấp chứng nhận VietGAP và 313 trang trại chăn nuôi cả nước được cấp chứng nhận VietGAHP.
Tại 63/63 tỉnh, TP, đã xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm sản an toàn, trong đó, có 382 chuỗi được giám sát... Đối với Hà Nội, hiện cũng đã xây dựng và phát triển được 65 chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, ATTP là vấn đề quan trọng và được TP hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo. Đối với nhiệm vụ năm 2018, Hà Nội phấn đấu có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản phải đăng ký đảm bảo các điều kiện về ATTP. Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm. Hà Nội cũng đã ban hành tiêu chuẩn thi đua trong lĩnh vực ATTP, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn phụ trách.
Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng thực phẩm an toàn. Cùng với đó là yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo đảm ATTP và giám sát chặt chẽ việc thực thi. 

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt
Các bộ, ngành cần rà soát, sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng ATTP cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. 

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần