Quản lý an toàn thực phẩm vẫn chồng chéo và nhiều lỗ hổng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) lại gia tăng. Trong khi các hành vi, thủ đoạn vi phạm ngày một tinh vi hơn để tận thu lợi nhuận thì việc quản lý ATTP hiện nay vẫn chồng chéo và nhiều lỗ hổng.

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản nhất do pháp luật về ATTP chưa được xây dựng trên cơ sở khoa học cũng như yêu cầu thực tế của đời sống. Bằng chứng là các phương án đưa ra chưa giải quyết được vấn đề mà còn gây nên dư luận gay gắt như thời gian vừa qua. Thực tế, chúng ta đã cơ bản giải quyết được các nguyên nhân vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm như ăn chín uống sôi, tránh các loại thực phẩm có chứa độc tố như một số loài nấm, rắn, cá lóc... khi mà những vụ ngộ độc vì các loại thực phẩm này đã giảm nhiều. Vấn đề tồn đọng hiện nay nằm ở việc các hóa chất trong công nghiệp gây ảnh hưởng tới thực phẩm và ATTP như dư lượng hóa chất trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản, hay các hóa chất trong công nghiệp như aseen, chì, vàng Ô, amiang... Trong khi các tổ chức thế giới như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới, các Hiệp hội về y tế công cộng cấm hoàn toàn những chất này trong sản xuất, phân phối... nhưng thị trường trong nước vẫn lưu thông nhiều mặt hàng chứa những thành phần này.

Đơn cử, trong chất Paraquad - một loại chất diệt cỏ, hóa chất dùng trong nông nghiệp có tác hại môi sinh rất lớn nằm trong danh sách cấm của nhiều nước thì ở Việt Nam chất này lại xuất hiện với lời giới thiệu "Paraquad - Bạn của nhà nông" trên trang web của một hệ thống nông nghiệp. Hay như chất amiang là một chất gây bệnh cho đường hô hấp nhưng vẫn được lưu thông dưới dạng tấm lợp, đặc biệt là những hộ gia đình thiếu điều kiện tài chính sử dụng. Đây là cơ hội để chất này dễ dàng phát tán gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng…

Hiện nay, thế giới nghiên cứu và công nhận 3 công ước: Công ước Basel, Công ước Stockholm, Công ước Rotterdam với mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước hiểm họa hóa chất và rác thải độc hại để phân loại các loại hóa chất, qua đó có đưa ra các giải pháp sử dụng phù hợp. Việt Nam hiện nay đang là thành viên chính thức của cả 3 công ước quốc tế này, song Luật ATTP hiện chưa đưa những nội dung này vào. Điều này rất cần được bổ sung để khi đã hoàn chỉnh được Luật ATTP, việc thực thi sẽ hiệu quả hơn.