Quản lý bán, cho thuê nhà ở xã hội: Phải công khai, minh bạch

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo của UBND TP Hà Nội ban hành “Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP Hà Nội” đã được “thai nghén” trong 2 năm và được dư luận xã hội quan tâm.

Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức các đợt khảo sát, hội nghị phản biện xã hội (PBXH) nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân để tham mưu cho TP triển khai Dự thảo một cách hợp lý.
Cần cơ chế giám sát chặt chẽ

Qua khảo sát thực tế tại CT19A – KĐT Việt Hưng, cư dân thuê NƠXH phản ánh, các công trình an sinh xã hội, các cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng… nhưng Ban quản trị không khắc phục, sữa chữa kịp thời, trong khi giá thuê nhà lại tăng lên. Đối với Khu đô thị Đặng Xá II (huyện Gia Lâm), đại diện cư dân sinh sống tại đây cho rằng, các tiêu chí mua, thuê NƠXH phải chặt chẽ, có cơ chế giám sát để ngăn chặn trục lợi từ cho thuê lại và mua bán NƠXH.

Thực tế có nhiều người thu nhập thấp nhưng không đủ điều kiện mua NƠXH, trong khi vẫn còn một số căn hộ được mua bán và cho thuê không đúng đối tượng, gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, trong nội hàm Dự thảo quy định này cần rõ sự tham gia của chính quyền các cấp trong quản lý bán, thuê, thuê mua NƠXH.

Đây cũng là những ý kiến được các đại biểu nêu ra tại hội nghị PBXH đối với Dự thảo trên của UBND TP do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức vừa qua. Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn các quy định liên quan đến việc quản lý, bán, cho thuê và thuê mua NƠXH, trong đó đối tượng được ưu tiên nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Đề án cần bổ sung người thân của những người tham gia chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam; lao động nhập cư có thu nhập thấp, có tạm trú được quyền mua nhà tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, phải làm rõ phạm vi điều chỉnh đối với NƠXH cho học sinh, sinh viên, tránh trường hợp lợi dụng quen biết để mua NƠXH rồi sử dụng sai mục đích. Do đó, phải quản lý chặt đối tượng cho thuê, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ, có phương thức thu hồi NƠXH sai phạm một cách hợp lý.

Nhiều khâu còn mập mờ

Đồng tình với nội dung Dự thảo quy định đưa ra, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo đề nghị bổ sung nguyên tắc công khai, dân chủ trong thực hiện chính sách về NƠXH. Trên thực tế, nhiều khâu không đảm bảo nguyên tắc này dẫn tới tình trạng “mập mờ”, “lửng lơ” trong thực hiện quy trình từ công khai dự án, quyết định bốc thăm, làm hợp đồng, bàn giao nhà… gây ra nhiều bức xúc trong Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - KTS Đào Ngọc Nghiêm, kế hoạch phát triển NƠXH của Hà Nội đến năm 2020, TP cần xây dựng hơn 6.000.000m2 sàn NƠXH, giải quyết chỗ ở cho hơn 650.000 người. Mặc dù được TP quan tâm đầu tư xây dựng, song, thực tế đối tượng thụ hưởng lại lúng túng trong đăng ký, khó tiếp cận thông tin chung để lựa chọn thích hợp cho mình. Do vậy, cần bổ sung các nội dung về quản lý, đăng ký dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công khai.

Tiếp thu các ý kiến để chuyển về Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, tham mưu với TP, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, Dự thảo cần sắp xếp lại và quan tâm đến các đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, sinh viên... Đối với công tác tuyên truyền, đề nghị MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội phải thực hiện tốt chức năng giám sát để thực hiện tốt các quy định này.

Phát triển NƠXH là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của TP Hà Nội. Để chủ trương này sớm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân, UBND TP cần tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch tiêu chuẩn các đối tượng được mua, thuê mua NƠXH. Đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ các trường hợp mua nhà, kiên quyết thu hồi nếu phát hiện vi phạm.