Quản lý bán hàng đa cấp: Thắt chặt nhưng vẫn phải phù hợp với các cam kết

Bích Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Liên đoàn Bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA) năm 2010, dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của ngành kinh doanh đa cấp trên toàn cầu vẫn đạt hơn 110 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 20 đến 30%, số lượng người tham gia đạt gần 75 triệu người.

Trong năm 2015, doanh số bán lẻ toàn cầu theo phương thức bán hàng đa cấp (BHĐC) đạt 183.729 tỷ USD. Và để quản lý, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng và từ đó hình thành các hiệp hội bán hàng đa quốc gia và thế giới để thúc đẩy hoạt động BHĐC chân chính.
Đón xu thế chung song cần một hành lang pháp lý

Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động BHĐC tại Luật Cạnh tranh 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, BHĐC tại Việt Nam mang bản chất và tinh thần như hoạt động BHĐC các quốc gia trên thế giới khác. Trên nền tảng pháp luật này, BHĐC đang dần phổ biến và phát triển như các ngành nghề kinh doanh khác trên thị trường.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Việc xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động bán lẻ trực tiếp nói chung và hoạt động BHĐC nói riêng là điều rất cần thiết. Bởi hiện tại, hoạt động BHĐC bị phân biệt đối xử khá nặng nề so với các phương thức bán hàng khác và bị xem như một ngành nghề “cần được quan tâm đặc biệt”. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc lập pháp cơ bản là phải đảm bảo quyền lợi bình đẳng và chính đáng của các chủ thể, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội. Vì vậy, pháp luật không thể quá thiên vị người tiêu dùng hay người tham gia mà xem nhẹ quyền tự chủ kinh doanh của DN. Hơn nữa, không nên chỉ vì một vài DN BHĐC bất chính mà đặt ra những cơ chế quản lý quá khắt khe có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngành. Thay vào đó, pháp luật nên thiết lập biện pháp chế tài nghiêm khắc để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của không chỉ các DN mà còn của mỗi một cá nhân tham gia BHĐC, bao gồm cả chế tài hành chính và hình sự.

Cũng cần quan tâm đến các thỏa thuận quốc tế 

Ngày 14/11/2016, bản dự thảo đầu tiên của Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP (sau đây gọi là “Dự thảo 1”) được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN và người dân. Sau quá trình tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các DN, tổ chức, cá nhân, Dự thảo 1 đã được sửa đổi (sau đây gọi là “Dự thảo 2”). Theo đó, Dự thảo 2 đưa ra ba điểm quan trọng nhằm tăng cường quản lý, giám sát và siết chặt quản lý Nhà nước đối với hoạt động BHĐC. Những quy định trong dự thảo này đã thắt chặt ngành kinh doanh BHĐC mới phát triển tại Việt Nam trong 10 năm qua.

Thứ nhất, quy tắc 15%: Điều 48.2 Dự thảo 2 quy định rằng mức hoa hồng tối thiểu mà DN phải trả cho người tham gia tối thiểu là 15% giá trị hàng hóa mà người đó đã mua, bán. Trên thực tế, một số lượng lớn người tham gia BHĐC hiện nay (có trường hợp lên tới 90% số lượng người tham gia BHĐC của một DN) chỉ với mục đích mua hàng với giá ưu đãi để tiêu dùng cá nhân, không có nhu cầu mua hàng để bán lại cho người khác. Do đó, việc bắt buộc DN phải chi trả hoa hồng cho các cá nhân này - đối tượng không tham gia hoạt động bán hàng và phát triển đội ngũ bán hàng - là điều bất hợp lý, hoàn toàn không đúng với ý nghĩa của khoản hoa hồng. Ngoài ra, quy định này sẽ tạo ra gánh nặng tài chính khá lớn cho các DN BHĐC và gián tiếp gia giảm nguồn tài chính mà lẽ ra DN có thể sử dụng để tưởng thưởng những người tham gia BHĐC đích thực (những người có hoạt động xây dựng và phát triển mạng lưới bán hàng). 

Bản chất của mô hình BHĐC là trả thưởng cho người tham gia không chỉ đến từ việc bán hàng của cá nhân mà còn từ việc đào tạo, tuyển dụng và phát triển mạng lưới bán hàng của họ. Mức trả thưởng sẽ tương ứng với mức độ hoàn thành trong bán hàng của cá nhân và nhóm kinh doanh của họ, mức này thường là mức lũy tiến. Qua đó, người tham gia sẽ đánh giá được việc kinh doanh của mình và nhóm mình để có kế hoạch kinh doanh hợp lý. Do vậy, việc mặc định mức hoa hồng tối thiểu sẽ không khuyến khích người tham gia nỗ lực bán hàng, mặt khác có thể dẫn đến kế hoạch kinh doanh không phù hợp.

Việc thiết lập một mức trả thưởng tối thiểu gây sức ép đối với DN có thể dẫn đến tình trạng DN phải trả hoa hồng vượt quá biên độ lợi nhuận và tình trạng thua lỗ là khó tránh khỏi. Yêu cầu này vô hình chung đã tạo nên một sự phân biệt giữa ngành bán lẻ nói chung với BHĐC khi áp dụng cấu trúc hoa hồng khá cao đối với loại hình kinh doanh này.

Thiết nghĩ quy định của Dự thảo 2 không những can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN mà còn đi ngược lại với xu hướng phát triển kinh doanh xuyên quốc gia trên thế giới. 

Thứ hai, hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia BHĐC: Điều 44.1 Dự thảo 2 yêu cầu mỗi DN BHĐC phải duy trì một hệ thống công nghệ tin với máy chủ đặt tại Việt Nam. Đối với việc đặt máy chủ tại Việt Nam vẫn có nhiều phương án khác vẫn có thể đảm bảo yêu cầu kiểm tra của cơ quan quản lý. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã dẫn đến nhiều tiện ích trong việc truy cập và kết xuất thông tin một cách dễ dàng. Các máy chủ của các công ty đa quốc gia vẫn được quản lý và đảm bảo tại công ty mẹ, trong khi thiết lập thêm một máy chủ tại mỗi công ty con là điều gây ra nhiều tốn kém và không cần thiết. Để đảm bảo sự truy cập dữ liệu DN và khả năng truy vấn thông tin, cơ quan quản lý có thể cho phép các DN lựa chọn đặt máy chủ lưu trú để lưu trữ các dữ liệu liên quan đến hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, pháp luật cần phải quy định chi tiết về thủ tục kiểm tra và các biện pháp bảo đảm thông tin mật của DN.

Thứ ba, chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương của DN: Điều này xuất phát từ bản chất BHĐC là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp và nhiều nhánh. Trong đó, hàng hoá được tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc tại địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của DN hoặc của người tham gia, bán hàng đa cấp được xem là hoạt động mang tính chất truyền miệng và có khả năng len lỏi vào tận cùng ngõ ngách của từng địa phương. 

Theo Điều 20.2 của dự thảo Nghị định, mỗi DN BHĐC chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để làm việc với chính quyền địa phương trong trường hợp DN không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp DN hoạt động BHĐC tại 63 tỉnh/TP sẽ gây ra sự cồng kềnh về quản lý nhân sự và tài chính cho DN. Mục tiêu quản lý này hoàn toàn có thể đạt được thông qua các phương pháp thay thế bằng cách người đại diện có thể là người đại diện khu vực hoặc là một đại lý của bên thứ ba sẽ chịu trách nhiệm đối với các tỉnh theo khu vực địa lý (ví dụ: các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam,…). Người đại diện khu vực này sẽ có mặt theo yêu cầu của cơ quan quản lý tại địa phương trong vòng một khoảng thời gian hợp lý. Điều này có thể hoàn toàn được thực hiện thông qua cơ chế người đại diện theo khu vực và cũng mang lại mục đích kiểm tra, báo cáo tương ứng.

Từ những quan điểm như trên, cơ quan ban hành cần thận trọng trong việc ban hành quy định pháp luật với những quy định khắt khe đối với doanh nghiệp BHĐC và sự lồng ghép các mục tiêu quản lý Nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng trong chức năng của một văn bản quy phạm pháp luật. Nếu một mục tiêu được quy định tại nhiều văn bản khác nhau sẽ gây sự chồng chéo và khó khăn trong quản lý nhà nước cũng như đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Do vậy, ngoài mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội còn phải xem xét đến những tác động đến doanh nghiệp và của ngành để tránh tình trạng doanh nghiệp rút vốn đầu tư và sự sụp đổ của ngành sẽ dẫn đến làm giảm nguồn thu ngân sách là hệ quả tất yếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần