Quản lý chất lượng nông sản: Mỏng nhân lực, vướng cơ chế

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu nhân lực chuyên trách, thiếu kinh phí, văn bản quy định không đồng nhất… là những vấn đề tồn tại khiến cho việc quản lý ATTP trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn.

Lúng túng trong xử lý

Từ đầu năm tới nay, công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là tập trung thanh tra, kiểm tra vào ngành, nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về ATTP. Trong 6 tháng đầu năm, các chi cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Qua đó phát hiện 41 cơ sở vi phạm (chiếm 46,06%), chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người sản xuất kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, cơ sở không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển…

Kiểm tra hoạt động sơ chế rau, thịt tại Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Ảnh: Quang Thiện

Ông Trần Mạnh Giang – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội chia sẻ, nhân lực làm công tác quản lý ATTP, nhất là tuyến cơ sở còn quá ít, trong khi lĩnh vực quản lý rộng, khối lượng công việc nhiều, đối tượng quản lý phức tạp đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, một số cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động nên rất khó nắm bắt.

Điều đáng nói, chính quyền cấp xã, phường chưa quyết liệt trong quản lý sản xuất an toàn cũng như quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở nên vi phạm vẫn tái diễn. Đặc biệt, hiện nay chưa có văn bản quy định về mức giới hạn cho phép đối với một số chỉ tiêu phân tích như Histamin, Ure trong nước mắm hay thuốc bảo vệ thực vật Permethrin, Profenofos trong rau muống, ngọn su su... Hơn nữa, các văn bản quản lý chưa thống nhất, chưa có quy định về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản. Do vậy, việc triển khai công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm còn khó khăn, lúng túng.

Hoàn thiện cơ chế

Hiện nay, trên địa bàn TP bước đầu đã hình thành một số điểm bán nông sản như rau, thịt an toàn được kiểm soát theo chuỗi và giám sát thường xuyên về điều kiện ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn sử dụng dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, để làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về ATTP, theo ông Trần Mạnh Giang, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế cần ban hành đầy đủ quy định mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu về ATTP làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, UBND cấp quận, huyện, thị xã cần bố trí đủ kinh phí, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho công tác quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi. Đồng thời tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với Hà Nội, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản từ TP tới quận, huyện cùng với việc điều chỉnh quy hoạch giết mổ cho phù hợp, xây dựng các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP, vệ sinh môi trường là việc làm cấp thiết. Đặc biệt, cần quy hoạch và xây dựng các chợ đầu mối nông sản và ban hành quy định, tiến tới kiểm soát chất lượng, thống kê đầu vào, ra, nguồn hàng của các tỉnh, TP. Qua đó sẽ truy xuất được nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn TP.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy 411 mẫu nông lâm thủy sản. Hiện đã có kết quả phân tích của 302 mẫu, trong đó phát hiện 26 mẫu vi phạm chiếm 8,6%, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể 5 mẫu thịt lợn và 7 mẫu thịt gà phát hiện về chỉ tiêu vi sinh (Salmonella), 7 mẫu thủy sản có phát hiện về hoạt chất Malachite Green và Leucomalachite Green…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần