Quản lý chất lượng phân bón: Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để siết chặt quản lý phân bón phải gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng được sản xuất, phân phối trên địa bàn.

Đây là điểm mới được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định quản lý phân bón khu vực phía Bắc do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/4.

Vi phạm tràn lan

Thống kê ở thời điểm 1/1/2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón, song con số thực tế lên tới khoảng 10.000 sản phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều sản phẩm không được công bố hợp chuẩn, hợp quy. Điều đáng nói, việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này còn nhiều bất cập, phân bón giả, kém chất lượng vẫn tràn lan ngoài thị trường.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: Huy Hùng

Bên cạnh đó, dù sản xuất phân bón đã có quy định điều kiện nhưng chưa rõ ràng dẫn tới nhiều nhà máy sản xuất chỉ đạt công nghệ “cuốc xẻng”. Thống kê chính thức cho thấy, toàn ngành hiện có 577 nhà máy sản xuất phân bón, song ước tính con số thực hơn rất nhiều. Đặc biệt, mới đây, chỉ trong vòng 4 tuần ra quân, qua kiểm tra 250 cơ sở sản xuất phân bón, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện 117 DN vi phạm, chiếm gần 50%, chủ yếu là phân bón giả, kém chất lượng và cơ sở không có giấy phép sản xuất. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thị trường phân bón hiện nay khá “ô hợp”, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nông dân.

Ở cấp địa phương, TP Hồ Chí Minh ra quân kiểm tra hơn 50 cơ sở sản xuất phân bón đã phát hiện 20 cơ sở không có giấy phép tồn tại nhiều năm nay. Hay như tại Thanh Hóa, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng được bán tràn lan cũng là vấn đề bức xúc, nhất là tại 11 huyện miền núi.

Đổi mới cơ chế quản lý

Lâu nay, lĩnh vực phân bón được giao cho 2 Bộ NN&PTNT, Công Thương quản lý, dẫn tới tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả. Trước yêu cầu của thực tiễn, mới đây, Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ quản lý phân bón về cho Bộ NN&PTNT. Hiện, Bộ NN&PTNT vẫn đang tích cực lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quản lý phân bón thay thế cho Nghị định 202 trước đây.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng “loạn” phân bón giả, phân bón kém chất lượng là thị trường phân bón phát triển tự phát, chưa có tổ chức chặt chẽ. Do đó, trước mắt, Ban Chỉ đạo 389 từ T.Ư đến địa phương cần đồng loạt ra quân kiểm tra, lập lại thị trường phân bón trên phạm vi cả nước, tránh “đánh trống bỏ dùi”. Ở góc độ là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao làm đầu mối quản lý Nhà nước về phân bón, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, dự thảo Nghị định mới đã được chỉnh sửa, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và giải quyết các tồn tại, bất cập. Trong đó, bổ sung nhiều điểm mới về phương thức quản lý, khảo nghiệm, đóng gói, quảng cáo phân bón…

Đặc biệt, một trong những đột phá để quản lý phân bón, theo ông Trung, là phân cấp mạnh mẽ trách nhiệm cho địa phương. Theo đó, địa phương phải vào cuộc quản lý chứng nhận đủ điều kiện đóng gói, buôn bán phân bón tại địa phương, quản lý toàn bộ quá trình sử dụng cũng như có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra phân bón…

Một số đơn vị chỉ với thúng mủng, cuốc xẻng cũng sản xuất ra được phân bón mà không có phòng kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng đầu vào và theo dõi chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, nhiều DN quảng cáo là phân bón sản xuất theo công nghệ cao, nguyên liệu nhập khẩu nhưng thực chất không đúng.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Sở NN&PTNT Thanh Hóa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần