Quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Vướng mắc về dự toán, đơn giá

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế cho Nghị định 32/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Theo đánh giá, chỉ sau chưa đầy một năm triển khai đã có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhiều công trình bị vướng mắc về dự toán, đơn giá chi phí khi xây dựng. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều vướng mắc
Thạc sĩ Lê Thị Thu Hiền – Hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho biết, một trong những điểm vướng mắc tại Thông tư 09/2019 hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP liên quan đến dự toán xây dựng. “Dự toán xây dựng được xác định theo khối lượng tính toán từ thiết kế bản vẽ thi công và phải thêm một quy trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt nữa” – bà Hiền viện dẫn. Theo đó, nếu không phải lập dự toán từ thiết kế bản vẽ thi công thì lại trái với quy định tại Khoản 10 Điều 80 của Luật Xây dựng là “Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, tại Nghị định số 68/2019, UBND cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chịu trách nhiệm công bố đầy đủ, đúng định kỳ giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, ban hành đơn giá xây dựng công trình… phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương. Điều này dẫn đến thiếu cơ sở về giá phục vụ cho công tác lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn (hoặc đi qua) một số tỉnh, thành. “Đến nay, một số địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này do việc điều tra, khảo sát để xác định đơn giá nhân công, giá ca máy trên thị trường cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan và thời gian, kinh phí, nhân lực để thực hiện” – Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho hay
Tháo gỡ để phù hợp đặc thù chuyên ngành
Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, để giải quyết những vướng mắc của Nghị định 68/2019, Bộ đã kiến nghị Chính phủ hướng xử lý. Theo đó, cho phép người quyết định đầu tư, trên cơ sở khung giá nhân công, nguyên giá ca máy theo quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BXD, Thông tư 11/2019/TT-BXD, chủ động xem xét và quyết định đơn giá nhân công, giá ca máy làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu, giá gói thầu.
Trưởng phòng Kỹ thuật Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Vĩnh Phúc) Phạm Anh Trường cho biết, Nghị định 68/2019/NĐ-CP đã có quy định rõ trách nhiệm quản lý chi phí của chủ đầu tư đến khi hoàn thành “quyết toán vốn đầu tư xây dựng” (thay vì đến “kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng” như Nghị định 32/2015 trước đây) và trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc sử dụng chi phí dự phòng. “Nghị định cũng rút ngắn một số quy trình trong việc thẩm định, đó là thực hiện đồng bộ chứ không thẩm định từng hạng mục và một số thay đổi tích cực khác. Nhưng những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm phù hợp tính chất, đặc thù của chuyên ngành” – ông Trường nhìn nhận.
Nghị định 68/2019 quy định chi tiết chi phí quản lý xây dựng của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Song, vẫn cần tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế, kinh tế thị trường và đạt được hiệu quả cao khi đi vào thực tế, bảo đảm được sự chặt chẽ trong quản lý nhưng đơn giản, thông thoáng.
KS Trần Công Huân - Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần