Quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu: Phụ thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, đòi hỏi UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là phòng kinh tế phải đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ - đó là ý kiến của ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tại buổi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề kiểm soát sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc.

Từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng của TP và các quận, huyện đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và truy tìm rượu chứa methanol. Kết quả ra sao, thưa ông ?
- Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh việc người tiêu dùng bị ngộ độc do sử dụng rượu tự nấu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc…, lực lượng QLTT Hà Nội, ngành y tế và UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện nhiều cơ sở vi phạm. Cụ thể, trong hơn 10 ngày qua, lực lượng QLTT TP đã tiến hành 386 lượt kiểm tra, kiểm soát, xử lý 250 vụ và đang xử lý 102 vụ, phát hiện và tạm giữ, tịch thu gần 29.759 lít rượu; 621 chai rượu các loại... Qua đó, đã lập biên bản xử lý và phạt tiền lên đến gần 600 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm. Ngoài ra, lực lượng QLTT tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra 1.264 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, qua đó niêm phong 18.328,5 lít rượu, 215 chai rượu các loại, 2 can rượu, 4 bình rượu và 2 chum rượu (67kg) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ra quyết định cảnh cáo, xử lý 149 cơ sở. Tiêu hủy 140 lít rượu không nguồn gốc, phạt tiền trên 406 triệu đồng. Xét nghiệm nhanh 353 mẫu rượu, 46 mẫu rượu lấy xét nghiệm tại labo. Kết quả xét nghiệm cho thấy 30 mẫu nằm trong giới hạn cho phép, 5 mẫu vượt giới hạn cho phép gồm: 1 mẫu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính (Thanh Xuân); 1 mẫu tại cửa hàng cơm số 1 Trung Liệt (Đống Đa); 1 mẫu ở cơ sở cơm Vĩnh Thành, số 95 khu giãn dân Mộ Lao (Hà Đông); 2 mẫu tại quán cơm 38 phố Chùa Láng (Đống Đa).
Rượu không rõ nguồn gốc vẫn bán tràn lan trên thị trường. Theo ông, thực trạng trên có phải do các quy định còn chưa chặt chẽ khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn khi tiến hành kiểm tra, xử lý?
- Nghị định  94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu nêu rõ, thẩm quyền cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công thương thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Đối với những cơ sở sản xuất rượu thủ công bán cho các DN có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì cơ sở đó phải đăng ký với UBND xã, phường tại nơi đặt cơ sở sản xuất.

Đoàn công tác liên ngành quận Cầu Giấy kiểm tra và lập biên bản đối với hàng ăn tại số 17 ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa​. Ảnh: Công Trình

Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều là những cơ sở sản xuất rượu thủ công. Những cơ sở này đều có chung phản ánh là họ chưa được Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã hay chính quyền xã, phường tuyên truyền hướng dẫn cụ thể. Tại huyện Đan Phượng, mặc dù có khoảng 500 hộ dân nấu rượu nhưng Phòng Kinh tế huyện mới cấp phép cho 2 DN và 2 hộ bán lẻ rượu. Trong quá trình kiểm tra, dù phát hiện một số hộ dân nấu rượu nhỏ lẻ, không đăng ký nhưng những hộ này nêu lý do sử dụng cá nhân, bán cho người thân nên khó xử phạt hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Thực tế kiểm tra cũng cho thấy, số lượng rượu không rõ nguồn gốc, sản xuất theo kiểu thủ công còn là sản phẩm từ các tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… đưa về Hà Nội tiêu thụ. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý của những tỉnh, thành này chưa quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.
Vậy, muốn ngăn chặn tình trạng trên cần những giải pháp gì?
- Có thể nói việc kiểm tra, truy tìm rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề, bởi Hà Nội chỉ có 24,5% cơ sở kinh doanh thực phẩm được cấp phép. Do đó, để kiểm soát tận gốc vấn đề ngộ độc rượu, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của UBND các cấp trong việc tổ chức, hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất theo quy định. UBND các tỉnh, thành cũng cần đẩy mạnh việc kiểm tra các làng nghề, cơ sở nấu rượu nhằm ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển rượu không đảm bảo chất lượng về Hà Nội tiêu thụ. Ngành y tế, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, sử dụng cồn công nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung khung tiền phạt, có chế tài xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh bán lẻ rượu. Cần có định hướng quy hoạch những khu vực, địa điểm kinh doanh rượu, bia đồng thời nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại do lạm dụng rượu, bia.
Xin cảm ơn ông!