Quản lý công viên - vườn hoa tại Hà Nội, được không?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày Hè oi nóng, vườn hoa công cộng của Hà Nội luôn chật kín người đến vui chơi, giải trí, tập thể dục.

Trong khi số lượng xây mới chưa kịp đáp ứng nhu cầu người dân, một số công viên, vườn hoa hiện có lại chưa được quản lý tốt, đất công viên bị sử dụng sai mục đích, tình trạng vi phạm bán hàng quán tràn lan.
Từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu toàn khu vực nội đô có 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có).
Chưa đạt chỉ tiêu xây dựng
Theo Sở Xây dựng, sau 6 năm triển khai theo Quy hoạch, TP đã huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa, đã có nhiều công viên với quy mô lớn được khởi công xây dựng như Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (Công viên Thanh Xuân), Công viên hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, Công viên giải trí CXCV1, Công viên giải trí tại Mễ Trì, Khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy...
 Thảm cỏ xanh trong công viên hồ Đền Lừ bị người dân ngang nhiên giẫm đạp, làm chỗ bán hàng mà không bị xử lý. Ảnh: Vũ Lê
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng công viên tập trung, TP cũng phân cấp cho các quận, huyện, thị xã xây dựng, hoàn thiện các vườn hoa trong các khu phố. Do đó, 4 quận nội thành đã hoàn thành cải tạo 18 vườn hoa, thị trấn 23 vườn hoa.
Tuy nhiên theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc phát triển công viên, vườn hoa công cộng chưa đạt chỉ tiêu. Trong khi đó, một số công viên như Thống Nhất, Vườn thú Thủ Lệ, các vườn hoa... đã được đầu tư xây dựng từ lâu, cảnh quan kiến trúc đã xuống cấp. Trên địa bàn các huyện, số lượng công viên, vườn hoa còn ít so với quy hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi của người dân.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để đạt chỉ tiêu công viên, vườn hoa, cây xanh trong quy chuẩn xây dựng là 7m2/người, Hà Nội cần có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng mất cân đối mảng xanh so với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay. Cần huy động đất công sử dụng không hiệu quả trong các khu dân cư, diện tích đất có được từ việc di dời cơ sở công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học để xây dựng công viên, vườn hoa công cộng.
Đặc biệt, cần xây dựng những tiêu chí về diện tích và tiện ích công cộng, xã hội đến tận cấp xã, phường để làm cơ sở thực hiện. “Để hình thành được hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh đạt chuẩn trong đô thị theo quy hoạch, cần phải có quyết tâm rất lớn của chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư đô thị” - ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Còn lơ là trong quản lý
Việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa thực hiện theo phân cấp rất rõ ràng từ năm 2016. Theo đó, TP giao Sở Xây dựng quản lý, duy tu, duy trì các công viên cấp TP (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thống Nhất, Tuổi trẻ...), hệ thống cây xanh đô thị trên các tuyến đường phố chính, đường trục khu vực. UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong khu dân cư, dải phân cách trên những tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận, huyện được giao quản lý.
Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn là tại một số công viên lớn vẫn đang bị những công trình sai phạm lấn chiếm không gian và diện tích. Bên cạnh đó, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường cảnh quan tại một số công viên, vườn hoa còn hạn chế, vẫn còn tình trạng vi phạm bán hàng quán tràn lan, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị.
Dạo một vòng Công viên hồ Đền Lừ vào cuối giờ chiều, nơi đây giống một cái chợ, với la liệt hàng quán đồ cũ bày bán ngang nhiên trên đường dạo, bãi cỏ trong công viên. Nhiều người dân đi tập thể dục tại đây cho biết, không gian xanh của Công viên hồ Đền Lừ thật hiếm hoi đáng quý đối với người dân khu vực nhưng không gian xanh này đang từng ngày bị hủy hoại bởi những người thiếu ý thức bảo vệ môi trường sống, bởi những hàng quán mọc lên như nấm.
Điển hình việc đất công viên bị sử dụng sai mục đích, gây bức xúc trong dư luận là các công trình sai phạm tại Công viên Thủ Lệ, Công viên Tuổi trẻ từ nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Tại Công viên Tuổi trẻ, trước những sai phạm dai dẳng, đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã công bố kết luận về việc thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên.
TP yêu cầu các sở, ban, ngành có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, hoàn thành trong tháng 6/2020. Dẫu vậy, đến nay, các công trình, hạng mục trò chơi xuống cấp gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vào thể dục, vui chơi vẫn tồn tại. “Những thanh sắt đã gỉ sét, hàng tấn sắt thép từ những hạng mục xuống cấp có thể đổ sập bất cứ lúc nào, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy được xử lý” - ông Trần Anh Tú, số nhà 233 phố Thanh Nhàn bức xúc.
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, theo các gói thầu hiện công ty đang quản lý, duy trì 59 công viên, vườn hoa với diện tích trên 300.000m2 tại địa bàn 12 quận. Hầu hết các công viên, vườn hoa tại 4 quận lõi cây xanh, thảm cỏ, cảnh quan đều được bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân vui chơi, giải trí.
Thậm chí một số quận đã tích cực đầu tư cải tạo vườn hoa công viên trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng hiện đại. Như vườn hoa công viên Tây Sơn vừa được quận Hoàn Kiếm cải tạo với hệ thống thiết bị đô thị thông minh, khuôn viên được lát đá tự nhiên đồng bộ, và đặc biệt xuất hiện mô hình xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ không gian xanh công cộng. Chưa quyết liệt xử lý những hành vi phạm an ninh trật tự tại khu vực công công viên vườn hoa. Như tại Công viên hồ Linh Đàm vẫn còn tình trạng người dân tự ý lát gạch lên mặt thảm cỏ để làm sân chơi, tập thể dục. Hay như tình trạng tại Công viên hồ Đền Lừ thiếu sự kiên quyết xử lý vi phạm của chính quyền địa phương nên không gian xanh bị xâm hại nghiêm trọng.
“Để bảo vệ, phát triển không gian xanh tại các công viên vườn hoa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô không chỉ là công việc của cả đơn vị quản lý mà rất cần sự chung tay chính quyền và nhất là người dân” - ông Nguyễn Đức Mạnh bày tỏ.
Hiện tổng diện tích công viên, vườn hoa của Thủ đô là khoảng 280ha, chiếm khoảng 2% diện tích. Để duy trì hệ thống công viên, cây xanh, trong khu vực nội đô, Sở Xây dựng triển khai các dự án đầu tư xây dựng công viên chuyên đề sẵn có như Công viên Bách Thảo, Vườn thú Thủ Lệ, cải tạo, chuyển đổi hình thức tổ chức không gian một số công viên sang hình thức công viên mở, dành quỹ đất phù hợp sau khi di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh. Phấn đấu chỉ tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến khoảng 4 - 4,5m2/người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần