Quản lý giết mổ gia cầm: Khó xử lý vì thói quen của người tiêu dùng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 71/2007/QĐ – UBND ngày 22/6/2007 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội đã quy định, cấm buôn bán, giết mổ gia cầm tại các quận, các thị trấn, khu tập trung đông dân cư. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, việc triển khai xử lý vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Đã từ lâu, tại bất cứ một khu chợ nào, từ chợ “cóc”, chợ tạm đến chợ chính thống luôn có một vị trí dành cho các tiểu thương kinh doanh gia cầm. Tại đây, các loại gia cầm từ gà, ngan, vịt, chim bồ câu… được nhốt trong những chiếc lồng riêng biệt. Và khi đã “thuận mua, vừa bán”, khách hàng có nhu cầu các tiểu thương sẵn sàng giết mổ ngay tại chỗ.
Điều đáng nói, sau khi giết mổ xong, toàn bộ lông, nội tạng, phân gia cầm được tiểu thương gom vào túi rác, còn nước xả thẳng ra đường đi gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Trao đổi với chúng tôi, một người bán gia cầm tại chợ 8 - 3 (Quỳnh Mai) cho biết, nếu cứ chiếu theo quy định thì tất cả các loại gia cầm phải được giết mổ ở ngoại thành rồi mới được phép đưa vào nội thành. Thế nhưng, người tiêu dùng thời nào cũng vậy, luôn chỉ thích ăn đồ tươi sống. Do đó, nếu các hộ kinh doanh cứ nhập gia cầm đã qua giết mổ thì việc tiêu thụ, bảo quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để đối phó với các lực lượng chức năng, nhiều tiểu thương đã chuyển địa điểm tập kết, giết mổ gia cầm vào sâu trong các ngách để tránh bị kiểm tra, xử lý. Thậm chí, thay vì tập kết gia cầm tại chợ, không ít tiểu thương đã “độ” xe máy thành một gian hàng di dộng, sẵn sàng di chuyển khi thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng… Chính những điều này đã khiến công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường nói chung và vấn đề giết mổ gia cầm nói riêng gặp muôn vàn khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một số phường trên địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy chia sẻ, theo quy định, các hộ kinh doanh tổ chức giết mổ gia cầm tại các điểm không được cấp phép sẽ bị phạt tiền 2,5 triệu đồng và tịch thu tang vật. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp vi phạm này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đinh Trọng – Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, đây là mức phạt quá cao so với giá trị hàng, khả năng tài chính của các tiểu thương, dẫn đến tình trạng “bỏ của chạy lấy người”.

Có lẽ, vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều những biên bản không có khả năng thực thi. Cũng theo ông Đinh Trọng, để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm thì một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện đó là tuyên truyền để có sự đồng thuận của người dân. Bởi, chỉ khi người tiêu dùng bỏ thói quen trong sử dụng gia cầm sống thì vấn đề này mới giải quyết được tận gốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần