Quản lý giết mổ nhỏ lẻ: Thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với cùng kỳ năm 2018, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay đã giảm 1/4. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ hoạt động này vẫn rất lớn do công tác quản lý hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại huyện Chương Mỹ. 
Giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn 
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 749 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 220 cơ sở giết mổ lợn, 61 cơ sở giết mổ trâu, bò và 456 cơ sở giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp như: Cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); cơ sở Minh Hiền (huyện Thanh Oai); 3 cơ sở tại huyện Chương Mỹ (xã Tốt Động, xã Hồng Phong và thị trấn Chúc Sơn)… hầu hết các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ lẻ.

Cụ thể, trong tổng số 220 cơ sở giết mổ lợn, chỉ có 47 cơ sở (chiếm 22%) có quy mô công nghiệp – bán công nghiệp, còn lại chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, không được kiểm soát. Tại 61 cơ sở giết mổ trâu bò, cũng chỉ có 11 cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ (chiếm tỷ lệ 18%), còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (1 - 2 con/ngày) chưa được kiểm soát. Đối với 456 cơ sở giết mổ gia cầm, hiện chỉ có 39 cơ sở giết mổ lớn, quy mô tập trung được kiểm soát, còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát.

Riêng với giết mổ gia cầm, vẫn còn nhiều trường hợp giết mổ nhỏ lẻ ngay tại các chợ trong quận nội thành, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, cung cấp thực phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Thực tế, hoạt động này rất khó kiểm soát do tập quán, thói quen của người dân vẫn sử dụng gà tươi, gà làm lễ…

Đồng bộ các giải pháp

Hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát khiến gia tăng nỗi lo về mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng gia tăng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bài toán đặt ra là cần tiếp tục thu hút các DN tham gia đầu tư cho lĩnh vực giết mổ, nhất là ở các huyện có chăn nuôi lớn (Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên...). Tạo điều kiện để các DN, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm về giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ trong khu dân cư không có kiểm soát.

Cũng theo ông Sơn, để giết mổ nhỏ lẻ dần được xóa bỏ, việc thay đổi tập quán, thói quen sử dụng gà tươi, gà làm lễ của người dân là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tập quán thói quen này cần phải có thời gian, hoạt động tuyên truyền mạnh hơn để người dân thay đổi. Cùng với đó, kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt đề án “Mạng lưới giết mổ trên địa bàn Hà Nội”. Đây sẽ là cơ sở để nâng cao tỷ lệ số cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát, giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thiếu kiểm soát.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ và an toàn thực phẩm, việc tăng cường công tác kiểm dịch đầu vào, đảm bảo gia súc, gia cầm rõ nguồn gốc khi đưa vào các cơ sở giết mổ cũng hết sức quan trọng. Do đó, thời gian tới, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh, TP lân cận để trao đổi, chia sẻ thông tin việc xuất - nhập gia súc, gia cầm vào các cơ sở giết mổ.