[Quản lý hành chính tại các khu đô thị mới: Những khoảng trống cần lấp] Bài 2: Trái tay với cấp xã

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với các xã hoặc quận ven đô, khi khu đô thị (KĐT) mới hình thành trên địa bàn, xen kẽ với các cộng đồng dân cư đang duy trì lối sống làng xã, đòi hỏi cung cách quản lý đô thị nhưng chính quyền lại vốn quen với cách quản lý địa bàn nông thôn dẫn đến tình trạng bất cập.

Khái niệm quản lý đô thị còn mới mẻ
Sự quá tải trong quản lý hành chính không chỉ diễn ra ở các quận có nhiều tòa nhà chung cư, các KĐT mới, mà những bất cập cũng đến với các huyện có KĐT mới như Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh…, nơi khu dân cư đô thị đòi hỏi cung cách quản lý kiểu đô thị lại thuộc địa bàn nông thôn, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy vốn đã quen với nông nghiệp, nông thôn.
Xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với các tòa chung cư đồng loạt đi vào hoạt động. Hiện dân số của xã có khoảng 17.000 người, trong đó dân “gốc” chỉ có 6.700 người, còn lại hơn 11.000 người mới về sinh sống trong các tòa chung cư thuộc KĐT Thanh Hà - Cienco 5.
Có thể nói, các KĐT đã mang lại diện mạo mới cho vùng ngoại thành và tạo ra những hiệu ứng tích cực đó trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng đi kèm với đó, những thách thức dần xuất hiện, dễ thấy nhất là sự chênh lệch, khác biệt, mất cân đối giữa cư dân bản xứ và cư dân trong các tòa chung cư. Trong khi đa phần dân sống trong các tòa chung cư làm việc phi nông nghiệp, dân bản xứ lại làm các nghề nông nghiệp, thủ công, buôn bán nhỏ lẻ…
 Khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi cư dân KĐT được hưởng nhiều tiện ích từ hạ tầng các KĐT, còn dân bản xứ không dễ dàng tiếp cận với các tiện ích này. Nên như nhiều ý kiến nhận định, các KĐT này không có sự kết nối với cộng đồng xung quanh mà như một “địa bàn” độc lập, nhưng chính quyền cơ sở lại vẫn phải quản lý hành chính.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trở nên quá tải bởi dân số cơ học tăng nhanh đột biến. Ví dụ như trạm y tế của xã Cự Khê được tính toán phục vụ cho 6.000 dân nên có 7 cán bộ và số tiền hoạt động thường xuyên là 13 triệu đồng/năm. Hiện nay, khi dân số tăng gấp 3 lần, 7 cán bộ nhiều khi làm việc quá tải, nhất là ở những đợt tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương cho biết: Xã Cự Khê là đơn vị hành chính cấp xã loại 2, cán bộ biên chế chỉ có 23 người, khái niệm quản lý đô thị còn mới mẻ, năng lực, kinh nghiệm chưa cao. Do đó, việc quản lý các lĩnh vực mới như quy hoạch xây dựng; kiến trúc; cảnh quan đô thị, xử lý rác thải… cần có thời gian và điều kiện để trau dồi kiến thức.
“Xã quản lý 18 tòa chung cư nhưng chưa thể lập được tổ dân phố (TDP) trong điều kiện không đủ cán bộ đảm nhiệm. Nếu lấy chính người dân sinh sống tại các tòa nhà làm tổ trưởng sẽ vướng vào chính sách lương, phụ cấp trả cho tổ trưởng bởi với điều kiện xã loại 2 không đủ ngân sách để chi trả” - ông Đặng Anh Phương chia sẻ.
Thách thức không nhỏ
Xã An Khánh (huyện Hoài Đức) cũng là địa bàn phát triển đô thị nhanh, với nhiều KĐT, chung cư như Splendora, Geleximco, Thăng Long Victory, The Golden An Khánh, Vinhomes…
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Hoán cho biết: Xã chỉ quản lý các KĐT, chung cư về mặt con người, còn trong các khu này có BQT được bầu ra, nhưng chưa có hệ thống chính trị cơ sở được thành lập trong chung cư. Do đó, các trường hợp cần xác nhận của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, nếu chung cư ở trên địa bàn thôn nào, xã giới thiệu về thôn đó. Nhưng có những vướng mắc, bất cập bởi xã không nắm được, quản lý được cư dân sinh sống trên địa bàn; cư dân phần lớn cũng không liên hệ với thôn, xã.
Hiện với 5 KĐT, chung cư có đủ điều kiện thành lập TDP, xã đã trình, đề nghị thành lập 5 TDP ở các khu vực này, Sở Nội vụ đã về khảo sát thực tế nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. “Chúng tôi mong muốn TP sớm ban hành quyết định thành lập các TDP tại các khu chung cư này để thuận tiện trong quản lý”- ông Nguyễn Huy Hoán nói.
Không chỉ với các huyện, một địa bàn mới lên quận được 5 năm là Bắc Từ Liêm, lối sống làng xã vẫn đan xen, việc quản lý hành chính với các KĐT cũng gặp phải không ít khó khăn. Tại phường Đông Ngạc, trước khi có dự án Nhà ở xã hội Ecohome 1 và 2, phường có khoảng 17.000 dân. Từ năm 2014 đến 2016, khi dự án này đi vào hoạt động với gần 2.000 căn hộ, nâng tổng số dân trên địa bàn phường gần 30.000 dân.
Tuy vậy, tình trạng quá tải tại phường chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi dự kiến, cuối năm 2020, khi dự án Nhà ở xã hội Ecohome 3 đi vào hoạt động, tổng dân số của phường sẽ tăng lên khoảng 40.000 dân.
Nhưng ngược với số dân, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, đường sá… tại đây lại y như cũ. Bởi thế, cảnh ùn tắc đường vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên; xe cộ của người dân do thiếu chỗ gửi để la liệt cả trên các vỉa hè, lòng đường; trạm y tế, trường học trở nên chật chội, quá tải... Phường cũng đã thành lập được các TDP tại các tòa chung cư, KĐT với tổ trưởng là cư dân tại chỗ, cùng với Ban quản lý, Ban quản trị tòa nhà vận động cư dân tham gia các đoàn thể, tổ hội, lập chi bộ Đảng, hỗ trợ chính quyền trong quản lý các vấn đề phát sinh liên quan đến người dân.
Nhưng theo Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Quang Thậm, ngoài việc dân số cơ học tăng đột biến, kéo theo nhiều áp lực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về giao thông, giáo dục..., với cư dân tại khu chung cư, do điều kiện sống và làm việc mang tính chất tạm thời nên phần lớn người dân không mặn mà tham gia vào các hoạt động cộng đồng, không tham gia các đoàn thể. Đó cũng là cái khó cho chính quyền trong quản lý hành chính.
Bên cạnh việc quản lý hành chính tại các KĐT mới vùng ven nảy sinh nhiều vấn đề trong bảo đảm hài hòa giữa cư dân bản địa và người dân mới đến sinh sống tại các tòa chung cư, các cán bộ cơ sở còn lo lắng, khi Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đi vào thực thi, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn cũng sẽ giảm 2 người so với quy định cũ. Đây cũng là những khó khăn không hề nhỏ cho chính quyền địa phương khi dân số tăng, việc ngày càng nhiều.
(Còn nữa)

"Quá trình đô thị hóa nhanh phát sinh nhiều thách thức, như việc quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội, giao thông, nhà ở, xây dựng, môi trường… ở đô thị phức tạp hơn nhiều so với nông thôn. Như ở xã Cự Khê, dù phải quản lý đô thị nhưng chính quyền xã thực chất vẫn là chính quyền nông thôn, trong quá trình quản lý cũng nảy sinh những bất cập, hạn chế. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng được bộ máy chính phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị là yêu cầu cấp thiết. Ví dụ, với đặc điểm quản lý đô thị, chính quyền xã cần có thêm một Phó Chủ tịch quản lý đô thị; lực lượng công an cũng cần thay đổi, bổ sung công an chính quy có nghiệp vụ bài bản quản lý an ninh trật tự, đăng ký tạm trú, tạm vắng các KĐT.

Cùng với đó, quy hoạch tổng thể, đồng bộ về trường học, giao thông, cơ sở hạ tầng phù hợp với số dân cơ học tăng đột biến để tránh tình trạng quá tải, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội." - Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ


"Để khắc phục những hạn chế trong quản lý hành chính các KĐT với một chính quyền cấp xã, hiện Cự Khê đang làm hồ sơ để được công nhận là xã loại 1. Khi đó xã mới có thêm điều kiện, chính sách, đặc biệt về định biên cán bộ phục vụ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, thêm được một Phó Chủ tịch xã giúp Chủ tịch xã quản lý Nhà nước ở các vấn đề đô thị... Hy vọng rằng, việc quản lý mới chuyên nghiệp, hiệu quả hơn." - Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần