Quản lý khai thác cát sỏi: Cần xử lý hình sự các vụ vi phạm nghiêm trọng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông trên địa bàn Hà Nội hiện diễn biến rất phức tạp. Việc xử lý có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt khiến tình trạng này chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Tàu chuyên chở cát sỏi di chuyển trên sông Hồng. Ảnh: Trọng Tùng
Nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP hiện có 8 vị trí khai thác cát được UBND TP Hà Nội cấp phép với tổng diện tích 225ha. Trong đó, có 4 vị trí đang hoạt động.

Ngoài các đơn vị được cấp phép, tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông hiện vẫn diễn ra tại địa bàn các quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ… Phương tiện được sử dụng thường là tàu cuốc, tàu hút. Khu vực khai thác cát thường nằm giữa sông.

Cùng với khai thác cát trái phép, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu ven sông cũng diễn biến rất phức tạp. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết: Dọc các tuyến sông thuộc địa bàn TP hiện có tổng số 191 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, tập trung chủ yếu trên đê hữu Hồng với 111 bãi. Đáng chú ý, trong số 191 bến bãi, chỉ có 37 bến bãi được UBND TP Hà Nội cho thuê, giao đất.

Theo ông Mẫn, khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch là nguyên nhân chính gây hạ thấp lòng sông, đáy sông, ảnh hưởng xấu đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Trong khi tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ gây nguy cơ cao sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, tại một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở dòng chảy thoát lũ. Việc tập kết này còn kéo theo hoạt động trung chuyển với sự tham gia của xe tải trọng lớn làm mặt đê hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Nâng chế tài xử lý

Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát và tập kết, trung chuyển vật liệu trái phép trên các tuyến sông, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu trái phép tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Sở cũng đã thành lập các tổ liên ngành phối hợp tuần tra, xử lý các vi phạm về khai thác cát trái phép, ngăn chặn xe quá tải đi trên đê thuộc địa bàn các huyện: Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức… Dù vậy, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, công tác này sẽ khó đạt hiệu quả nếu không có sự phối hợp của các sở ngành, địa phương.

Theo đó, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát và tập kết vật liệu trái phép, Sở NN&PTNT đề nghị Sở TN&MT phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều. Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, Sở TN&MT sớm tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Đây là nội dung TP đã giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT tại Văn bản số 2524 ngày 25/3/2020.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị Sở GTVT và Công an Hà Nội phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa, bơm hút cát trái phép lòng sông. Ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê. Đặc biệt, cần điều tra, lập hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự để tạo sức răn đe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần