Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý nhà chung cư thế nào để không cháy nổ - Bài 2: Phòng cháy hơn chữa cháy

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phòng cháy hơn chữa cháy đó là những khuyến cáo của cơ quan PC&CC đối với mọi người, mọi nhà. Đối với nhà chung cư cao tầng, khi để xảy ra cháy công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn và người dân sẽ bị thiệt hại nặng cả về vật chất, tinh thần và có thể là cả tính mạng. Do đó việc đề phòng cháy nổ là rất cần thiết.

Cảnh giác với các nguồn xảy ra cháy nổ

Theo thống kê của cơ quan PCCC, nguy cơ cháy nổ cao thường tập trung vào: Nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng, kho hàng nhà xưởng, cửa hàng dầu khí hóa lỏng, quán caraoke…
 Điện là một trong những nguồn tạo ra nguy cơ cháy nổ cao. Tủ điện tại tòa nhà Sông Đà Hà Đông.
Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ có rất nhiều cả chủ quan lẫn khách quan. Có thể do chập điện trong mùa nồm ẩm, hoặc hanh khô; do tàn thuốc vứt không đúng nơi quy định; sơ ý để quên bếp, thắp hương khi không có người ở nhà; khi hàn hơi, hàn điện; tự bốc cháy như gỗ thông, giấy, vải sợi hóa học khi nhiệt độ lên cao; cháy do sét đánh, tia lửa sét; lò đốt, lò nung; các bể chứa nhiên liệu và các đường ống dẫn khí dễ cháy gặp lửa hay tia lửa điện có thể gây cháy, nổ; nổ do áp suất trong một thể tích tăng cao mà vỏ bình chứa không chịu nổi áp suất nén đó nên bị nổ; nổ do bom thuốc súng, đạn, mìn gây ra…
Làm sao để hạn chế dẫn đến cháy

Theo Phòng cảnh sát PC&CC số 9 Hà Đông: Đối với cơ quan PC&CC thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm để cảnh báo, khuyến cáo, kiến nghị các chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý vận hành nhà chung cư những tồn tại, hạn chế gây mất an toàn về PCCC để kịp thời khắc phục, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và kiên quyết xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm.
 Siêu thị Mediamart đã nhiều lần bị xử lý hành chính nhưng vẫn để vừa hàng hóa, xe, máy chạy phát điện ngay trước tòa nhà chung cư. Vừa chặn toàn bộ mặt trước lối vào của xe PCCC. Kho chứa hàng tại tầng 1 có nguy cơ cháy nổ cao.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc 1 tuần hoặc 2 tuần/1 lần đối với những tòa nhà chưa được nghiệm thu về PCCC, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục và đề nghị cơ quan cảnh sát PCCC tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định. Đối với các tòa nhà chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC, nếu chưa tổ chức nghiệm thu mà tổ chức bàn giao cho các hộ dân vào ở, sẽ lập biên bản, xử lý hành chính. Riêng đối với quận Hà Đông sẽ kiến nghị để UBND quận chỉ đạo Công ty điện lực, Công ty nước sạch Hà Đông không cấp điện, nước đối với những tòa nhà chủ đầu tư không nghiệm thu về PCCC.
 Toàn bộ cửa buồng thang bộ tại tòa nhà BMM đang để hàng hóa kinh doanh đều là chất liệu dễ cháy như ghế, đệm mút, đồ gỗ. Tòa nhà này cũng chưa nghiệm thu PCCC và đưa vào sử dụng. Nếu cháy ở đây dân sẽ không thể thoát nạn.
Chủ đầu tư, BQT, BQL các toà nhà phải tổ chức đội PCCC cơ sở, dân phòng. Mỗi cán bộ, nhân viên bảo vệ của tòa nhà đều phải được tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC, tập trung hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho các hộ dân sinh sống trong tòa nhà do mình vận hành, để mọi người dân đều nhận biết được nguyên nhân của việc xảy ra cháy, cách phòng trách và cách xử lý khi có cháy.

Chính vì thế, những ngày gần đây các buổi tập huấn của Phòng cảnh sát PC&CC số 9 Hà Đông về kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với các chung cư, cho những người quản lý về mặt nhà nước đối công tác PCCC đã thu hút khá đông người tham gia. Đây là thể hiện sự tích cực của mỗi cấp, ngành, và người dân trong trách nhiệm PCCC.