Quản lý tài nguyên và môi trường: Không để xảy ra “điểm nóng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 23/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đồng chủ trì buổi làm việc về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn Hà Nội.

Đây cũng là dịp để các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị của TP cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý TN&MT Thủ đô.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thanh tra TP cho biết, Hà Nội là địa bàn có nhiều vụ tranh chấp đất đai. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp diễn ra trong nhiều năm. Có những vụ việc đã được TP giải quyết, nhưng  kết luận giữa UBND TP Hà Nội không đồng thuận với Bộ TN&MT. Vì vậy, hai bên phải cùng ngồi lại với nhau để cùng giải quyết.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, thời gian qua, vẫn còn những vụ chuyển mục đích sử dụng đất “ngầm” tại Hà Nội. Đối với các trường hợp thu hồi đất, các phường, xã đóng vai trò rất quan trọng. Nếu các phường, xã không xác nhận đất cho dân, các đơn vị sẽ gặp khó khăn trong khâu bồi thường GPMB. "Là địa phương tạo được nguồn đất dồi dào để đấu giá và thu được tiền đấu giá sử dụng đất lớn nhất trong cả nước; tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị nợ tiền đấu giá sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội" - Thứ trưởng Hiển nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho hay, mỗi lần thu hồi dự án, TP nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại; có dự án liên quan đến các Bộ, ngành nhưng vẫn kiên quyết phải làm. Mỗi năm Hà Nội GPMB gần 2.000 dự án, nếu tham khảo phương án của TP. HCM, lập gần 2.000 hội đồng sẽ không thuyết phục. Hàng năm TP xác định khung giá đất, tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Khi lên phương án GPMB, thu hồi đất, người dân luôn đòi bồi thường với giá cao nhất trong cùng khu vực. Hà Nội luôn vận dụng các quy định của Luật một cách tối đa đối với khung giá đất và việc hỗ trợ, tái định cư cho dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn đọng, chây ỳ. Với các dự án GPMB trên địa bàn, TP đang thúc các quận, huyện, đơn vị cố gắng đẩy nhanh tiến độ. 

Về môi trường, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng: "Các vấn đề bức xúc như rác thải, các khu công nghiệp xả thải, Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng hết sức. Thậm chí, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sài Đồng B (quận Long Biên) do vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, bị phạt mạnh đến mức họ không chịu nổi, đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất".

Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý

Để tăng cường công tác quản lý TN&MT trên địa bàn, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, Hà Nội phải rà soát pháp luật đất đai, sớm chỉ đạo hoàn thành dữ liệu hồ sơ đất đai. Hà Nội đã có quy hoạch chung, vì vậy, quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo được chỉ tiêu Quốc hội giao. Đối với việc cấp sổ đỏ, sắp tới TP phải xem xét lại toàn bộ nội dung, ban hành thông tư hướng dẫn các quận, huyện triển khai nghiêm túc. Đồng thời, công tác thanh tra phải giải quyết triệt để, giảm thiểu số đơn thư khiếu nại, tránh để xảy ra những "điểm nóng" về đất đai.

Với việc các doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn Hà Nội thường xuyên xả thải, gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến gợi ý, Hà Nội nên hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc tự động, quan sát các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, nhân dân Hà Nội đã có nhiều cố gắng, phấn đấu trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, đô thị được đầu tư khiến Hà Nội ngày một sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn; trật tự hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa ngày càng nhanh, khi Hà Tây và Hà Nội hợp nhất, vấn đề quản lý đất đai và bảo vệ môi trường phức tạp hơn. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết triệt để công tác quản lý đất đai, quản lý các khu công nghiệp, sông Nhuệ - Đáy, các cơ sở gây ô nhiễm… Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường hơn nữa trong công tác bảo vệ TN&MT, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, đẩy mạnh phát triển quỹ đất, từng bước hiện đại hóa cơ sở dữ liệu đất đai; tiếp tục thanh, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn. Bên cạnh đó, có biện pháp xử lý ô nhiễm làng nghề triệt để, xử lý ô nhiễm các sông, hồ…".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần