Quản lý thức ăn đường phố: Những chuyển biến tích cực

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vẫn còn đó những quán ăn bẩn, những hàng ăn rong mất vệ sinh; vẫn còn đó tình trạng người bán hám lời, người mua dễ dãi, coi thường sức khỏe, nhưng nhìn chung ý thức kinh doanh và tiêu dùng ATTP đã được cải thiện nhiều so với trước.

Đây là nhận định của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội về công tác đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố hiện nay.

99% cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP

Hà Nội đã triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 và đã xây dựng mô hình thí điểm kiểm soát ATTP đối với thức ăn đường phố tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa), Núi Trúc (Ba Đình) và 30 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã, nay là 100% xã, phường, thị trấn. Nhìn nhận về mặt được của mô hình này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho rằng, quá trình triển khai đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP. Hiện nay, 99% cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP, kiến thức thực hành của người quản lý tăng từ 59,1% lên 88,7%, ý thức người tiêu dùng cũng tăng từ 72,6% lên 83,5%.

Dãy quán ăn vỉa hè quanh hồ Bán Nguyệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng khẳng định, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nhờ khâu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mà người dân đã nhận thức được tác hại của thực phẩm bẩn. Nếu trước đây, những hàng ăn rong, vỉa hè ngồi trên cống nước, hay gần bãi rác vẫn có người sử dụng, thì tình trạng này nay đã giảm. “Người tiêu dùng tẩy chay những hàng ăn không đảm bảo ATTP thì người kinh doanh sẽ không thể tồn tại, buộc họ phải cải thiện” - ông Chung chia sẻ.

Là người trực tiếp quản lý địa bàn, ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết, tuyến phố Nguyễn Văn Cừ là tuyến phố văn minh, đảm bảo ATTP trên địa bàn. 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố này đều được kiểm soát, quản lý chặt, từ việc ghi chép sổ sách về nguồn gốc thực phẩm đến các quy định khác về ATTP. Theo ông Tuấn, để kiểm soát tốt ATTP, cần ý thức, trách nhiệm từ cả 3 bên - ngành chức năng, người kinh doanh và cả người tiêu dùng.

Vẫn khó kiểm soát

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác đảm bảo ATTP còn nhiều tồn tại, quản lý vô cùng khó khăn. Đó là vì các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố di động, bán di động khó kiểm soát. Có đến 16,5% cơ sở chưa đạt các điều kiện ATTP, cơ sở chật hẹp, chưa kịp thời thu dọn giấy, thức ăn thừa trên bàn và nền nhà, chậm thay thế các thiết bị cũ, hỏng. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở chưa quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Có những cơ sở cố định không đảm bảo về cơ sở vật chất và VSMT, diện tích chật hẹp, sử dụng chung với gia đình sinh hoạt, lấn chiếm vỉa hè. Còn các cơ sở bán hàng rong không đủ dụng cụ bảo đảm vệ sinh, vẫn còn tình trạng bán hàng cạnh cống rãnh…

Nhìn nhận khách quan về công tác quản lý thức ăn đường phố, đại diện Công an TP cho rằng, vì lợi nhuận, nhiều chủ quán cơm bình dân coi thường sức khỏe người tiêu dùng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc. “Có những hộ kinh doanh đã bị phạt, nộp phạt rồi, sau đó họ có kinh nghiệm hơn trong khâu… vi phạm” - đại diện Công an TP nói và cho biết thêm: “Đợt tới đây, chúng tôi quyết tâm dẹp bỏ hàng ăn rong vỉa hè, lòng đường, đặc biệt khu vực quán cổng trường học, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo ATTP”.

Qua cuộc tổng kiểm tra rượu trên địa bàn TP vừa qua, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận, khó kiểm soát các quán ăn bình dân: “Nhiều cơ sở sản xuất khai đã pha cồn 15% vào rượu, chủ yếu nhập cho các quán cơm bình dân. Nhưng khi chúng tôi đến kiểm tra, các quán cơm lấy mỗi lần số lượng ít, rất khó xử lý. Nhiều cơ sở không truy xuất nổi nguồn gốc thực phẩm”.

Để quản lý tốt hơn dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử nghiêm vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt chú trọng kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nhất là các cơ sở có bán lẻ rượu. Ông Chung cũng đề nghị ban chỉ đạo ATTP cấp cơ sở tăng cường vai trò quản lý, phổ biến kiến thức cho các cơ sở kinh doanh. Nhân rộng mỗi quận, huyện, thị xã thêm một xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình điểm thức ăn đường phố.

Hiện nay, nhiều địa phương đã vào cuộc đồng bộ trong kiểm soát ATTP, tuy nhiên vẫn còn những nơi chính quyền chưa thường xuyên quan tâm, còn nể nang trong xử lý vi phạm. Chưa có quy hoạch và quản lý phù hợp đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ