Quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử: Lấy công nghệ “chống” công nghệ

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định về nghĩa vụ khai nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức thương mại điện tử (TMĐT) đã được thực hiện, nhưng việc một cá nhân tại TP Hồ Chí Minh kinh doanh qua Facebook vừa bị Cục thuế truy thu thuế 9,1 tỷ đồng đã cho thấy “lỗ hổng” lớn ngành thuế phải lấp đầy càng sớm càng tốt.

 Cần phát triển mạnh ứng dụng công nghệ mới để quản lý kinh doanh TMĐT nhằm chống thất thu thuế.
Khó trông chờ vào sự tự giác
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thanh tra nhiều doanh nghiệp, cá nhân và các loại hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới như: Facebook, Google, Apple, Uber… Và mới đây, một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook bị phát hiện có hành vi “gian lận” kê khai thuế. Vì thế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh truy thu, xử phạt số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng.

Nhưng đây chỉ là trường hợp hiếm hoi bị “lật mặt” từ đơn tố cáo. Thực chất, việc phát hiện các hành vi gian lận về thuế của cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh TMĐT là quá khó với các ngành chức năng. Do vậy, các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước.

Nguyễn Thị Thùy - Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần truyền thông Lối Đi Việt cho rằng, hầu hết các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh qua mạng Internet đều tìm mọi cách để “lách” qua cửa cơ quan thuế. Vì hiện nay, ngành thuế dù cố gắng nhiều nhưng vẫn thiếu công cụ phát hiện hành vi gian lận thuế. Nhân lực của ngành cũng chưa theo kịp sự “nở rộ” của TMĐT, nhất là kinh doanh qua Facebook và Google.

Mặt khác, hiệu quả quản lý thuế chủ yếu dựa vào người bán tự khai, tự tính doanh thu và tự nộp. Cho nên, nhiều trường hợp đã cung cấp thông tin, kê khai và đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng loại hình dịch vụ để “né” thuế. Trường hợp cá nhân bán mỹ phẩm tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và Uber Việt Nam là một điển hình về thông tin “sai lệch”. Hãng Uber Việt Nam đăng ký kinh doanh theo dịch vụ cung ứng công nghệ thông tin, nhưng thực chất là dịch vụ vận tải hành khách.

Theo bà Thùy, các giao dịch TMĐT thanh toán thông qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn. Nhưng trong thực tế, việc quản lý thuế từ TMĐT tồn tại nhiều khó khăn. Chẳng hạn như khách hàng mua hàng qua Facebook nhưng lại giao dịch trực tiếp tại của hàng và thanh toán bằng tiền mặt. Các trường hợp chạy quảng cáo trên Facebook mất vài ba tỷ là bình thường, vì hiệu quả mang lại rất cao. Nhưng nếu người bán không dùng phần mềm để quản lý bán hàng, cũng như giá bán của các sản phẩm thì khó để kiểm tra, xác định doanh thu chính xác. Vì thế, ngành thuế cần tăng cường các biện pháp chế tài mạnh, thậm chí kiến nghị sửa đổi Luật để có thể xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, nhằm tăng tính răn đe, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và không nên trông chờ vào sự tự giác khai báo thông tin liên quan đến các giao dịch TMĐT…

Lấp đầy “lỗ hổng” thuế
Luật quản lý thuế quy định, bất kỳ trường hợp nào kinh doanh tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Vì thế, mọi cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, trong đó có TMĐT buộc phải đóng thuế. Nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Nhưng hiện tại, cơ quan thuế dù đã đẩy mạnh tuyên truyền người kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai nộp thuế nhưng hiệu quả thu lại chưa cao.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy loại hình kinh doanh trên Internet phát triển và từng bước lấn át kinh doanh truyền thống. Chính vì vậy, ngành thuế đứng trước thách thức lớn về quản lý thuế trong nền kinh tế “số hóa”. Đặc thù hoạt động kinh doanh qua mạng Iiternet là giao dịch xuyên biên giới. Vì thế, cơ hội kinh doanh TMĐT mở rộng cho tất cả. Nhưng đối với ngành thuế, “áp lực” quản lý lại tăng lên gấp bội.

Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Minh Tăng, Nguyễn Thị Minh cho biết: Việc quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp kinh doanh truyền thống có phần “dễ thở” hơn cho ngành thuế. Tuy nhiên, với TMĐT thì quả là rất khó, vì Intrenet có độ phủ toàn cầu, không lệ thuộc vào địa lý.

Đơn cử như trường hợp của hai tập đoàn lớn là Facebook và Google đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Để quản lý, ngành thuế dựa vào hai cách. Thứ nhất là thông qua các đại lý tại Việt Nam, chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu. Thứ hai là giao dịch trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng hoặc ví điện tử.

Theo bà Minh, cái khó là ở chỗ phía mua dịch vụ sẽ chịu thiệt vì không có hóa đơn đầu vào, nên sẽ không được tính vào chi phí hợp lý. Để đối phó với ngành thuế, bên mua dịch vụ chỉ còn cách “hợp thức hóa” qua việc mua hoá đơn của một dịch vụ khác. Như vậy, việc kiểm tra thuế sẽ khó xác định giá trị bản chất.

Mặt khác, nếu thanh toán dựa vào số lần click chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài cũng rất khó. Vì thông tin giao dịch mua bán từ ngân hàng trong và ngoài nước rất khó đối chiếu, để xác định đối tượng chịu thuế...

TMĐT, trong đó có cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh qua Facebook đã tận dụng ưu thế về công nghệ để phát triển và né nghĩa vụ thuế. Vì thế, ngành thuế cần sự phối hợp cả trong và ngoài nước, nhất là phát triển ứng dụng công nghệ để chống gian lận thuế và thất thu ngân sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần