Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thuốc bằng công nghệ thông tin: Tiện cả đôi đường

Đức Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuốc không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế đúng, đủ... mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.

Hiện các bệnh viện (BV) trên địa bàn đã triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý thuốc. Điển hình là tại BV Đa khoa Hà Đông, mỗi loại thuốc có một mã khác nhau nên BV dễ dàng theo dõi tình hình sử dụng. Đặc biệt, đối với bệnh nhân BHYT, sẽ giúp bệnh nhân nhận thuốc được theo dõi trên hệ thống chặt chẽ, từ số lượng, liều lượng, đến chất lượng thuốc... Dược sĩ Chu Xuân Thanh - khoa Dược của BV cho biết: Nếu không ứng dụng CNTT sẽ khó đảm bảo phát đúng, đủ cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn tới công tác khám chữa bệnh. Khi chưa ứng dụng CNTT, đội ngũ cấp phát thuốc cần khoảng 7 người, nhưng nay chỉ cần 4 người để cấp phát cho 600 bệnh nhân/ngày. Đặc biệt, khi đã ứng dụng CNTT thì 100% thuốc cấp đến bệnh nhân là chính xác, không còn tình trạng cấp nhầm. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều tiện theo dõi về số lượng, liều lượng dùng hàng ngày.

Đề cập đến vấn đề này, điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết - khoa Cấp cứu của BV chia sẻ: “Việc áp dụng CNTT trong quản lý thuốc tại BV Đa khoa Hà Đông đã giúp các bác sĩ, cũng như điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân vì tra cứu thông tin thuốc dễ dàng, tìm kiếm, sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân phù hợp với từng mặt bệnh”.

Tương tự, Giám đốc BV Đa khoa huyện Hoài Đức Đoàn Thịnh Trường cho biết, việc áp dụng CNTT trong khám chữa bệnh đem lại nhiều lợi ích lớn trong quản lý cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đối với công tác quản lý thuốc, ứng dụng CNTT đã giúp BV quản lý chặt chẽ được thuốc và thuận lợi trong cả quá trình chuyển dữ liệu lên Bảo hiểm xã hội TP. Tất cả các bác sĩ đều kê đơn thuốc trên máy tính, in đơn thuốc cho bệnh nhân. Danh mục thuốc được đăng tải trên internet của BV, tất cả bác sĩ, các khoa phòng đều biết và có thể kiểm soát được. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT cũng giúp bác sĩ đưa ra những chỉ định điều trị bệnh cho bệnh nhân được tốt hơn như đối với bệnh nhân mạn tính tiểu đường, tăng huyết áp. Qua đơn thuốc sử dụng được lưu lại trước đó, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định tăng hoặc giảm liều lượng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Có thể thấy, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế không chỉ giúp các cơ sở y tế tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám chữa bệnh, mà còn tạo thuận lợi cho cả bác sĩ và người bệnh. Riêng trong cung ứng thuốc, không chỉ giúp bác sĩ đưa chỉ định thuốc chính xác, mà còn giúp nhà thuốc quản lý hoạt động mua bán thuốc, theo dõi số lô, hạn dùng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, giá kê khai…