Quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Còn yếu và vướng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc cơ quan chức năng của Hà Nội lần đầu tiên xử phạt hai trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có trong danh mục được phép cho thấy tâm lý chủ quan và ý thức trách nhiệm ở một bộ phận người dân còn khá hạn chế. Thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV vẫn còn khá nhiều bất cập, khiến việc giám sát tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, gặp không ít khó khăn.

 Nông dân huyện Sóc Sơn pha thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây lúa. Ảnh: Trọng Tùng
Nông dân còn chủ quan
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn TP trong 5 năm gần đây (từ 2015 – 2019) lần lượt là 287, 316, 265, 362 và 401 tấn. Trong khi lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1ha canh tác nông nghiệp của Hà Nội hiện từ 1,6 – 2kg/ha (của cả nước khoảng 10kg/ha, tức là cao gấp 5 – 6 lần so với Hà Nội). Tại không ít địa phương, tỷ lệ nông dân không sử dụng thuốc BVTV đạt khá cao, điển hình là ở các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thường Tín… Đáng chú ý là hiện nay, có tới 60 – 70% nông dân của Hà Nội thường xuyên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc thay vì thuốc hoá học. Mặc dù lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn TP thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước. Nhận thức về việc sử dụng thuốc BVTV an toàn trong người nông dân cũng đã nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nông dân tỏ ra chủ quan, thậm chí xem nhẹ quy định pháp luật.
Minh chứng điển hình là vụ việc xảy ra mới đây tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), khi chính quyền địa phương này đã mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính 2 nông hộ sử dụng thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn cho biết, qua làm việc, các hộ này khai nhận đã mua thuốc BVTV… bán rong ngoài đường. Ở khía cạnh liên quan, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Nguyễn Hữu Quy cho biết, đơn vị có cung cấp thuốc BVTV bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, không ít nông hộ, thành viên hợp tác xã vẫn lựa chọn mua thuốc BVTV được rao bán trôi nổi trên thị trường.
Vẫn khó xử lý vi phạm
Vụ việc tại xã Tráng Việt mới đây nhất cho thấy tâm lý chủ quan và ý thức cộng đồng của một bộ phận nông dân vẫn còn khá hạn chế. Nhưng đó chỉ là một trong số rất nhiều khó khăn mà ngành BVTV của Hà Nội nói riêng đang gặp khó.
Chia sẻ về công tác quản lý thuốc BVTV, Trạm trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mê Linh Bùi Mạnh Tiến cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 125 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở này còn khá nhiều bất cập. Cụ thể, phạm vi kiểm tra theo quy định chỉ gói gọn trong cửa hàng, kho chứa. “Những năm trước, cơ quan chức năng ghi nhận có trường hợp cất giấu thuốc BVTV trái phép tại nơi ở. Đối với những trường hợp này, việc xử lý thực tế không dễ, do không có trong quy định luật hiện hành…” – ông Tiến cho biết.
Trong khi đó, tại một trong những vùng hoa lớn nhất Hà Nội là quận Bắc Từ Liêm, việc quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV cũng nan giải không kém. Theo Trạm Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm – Tây Hồ Nguyễn Thị Hoa Mai, Thông tư số 33/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định, khi muốn thanh tra một cơ sở, cần phải có kế hoạch và thông báo trước. Điều này hạn chế khá nhiều việc phát hiện vi phạm trong quá trình thanh tra. Ở một khía cạnh khác, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Bùi Huy Khôi cho biết, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới cửa hàng kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng lớn hơn. Chính vì vậy, vật tư nông nghiệp nhập lậu, không bảo đảm chất lượng rất dễ vận chuyển vào TP để tiêu thụ.
Không chỉ vậy, tình trạng kinh doanh, rao bán thuốc BVTV trên mạng đang ngày càng phổ biến với nhiều hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi. Điều này đang thực sự trở nên đáng lo và khiến công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Hoàn thiện chính sách, tăng hiệu quả quản lý
Thực tế trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý đối với lĩnh vực kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV. Theo đó, Bộ đã giao Cục BVTV tập trung rà soát lại tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký tới sử dụng thuốc BVTV. Trên cơ sở đánh giá, kiên quyết loại bỏ các loại thuốc BVTV có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao, nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Mặc dù vậy, để kiểm soát hiệu quả việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách là rất quan trọng. Trong đó, cần thiết sớm ban hành hướng dẫn đơn giản thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành. Các lực lượng quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389… cũng cần tăng cường trách nhiệm quản lý theo phân cấp; bên cạnh xử phạt hành chính, cần tính đến xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng để tạo sức răn đe.
Đối với TP Hà Nội, ngành NN&PTNT đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV và việc sử dụng thuốc BVTV tại các địa phương. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh. Phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm quy định trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn các trạm trồng trọt và BVTV bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, bảo đảm an toàn hiệu quả. Tập trung tuyên truyền về các hoạt chất cấm sử dụng trên cây trồng, và thông báo chấm dứt sử dụng các loại thuốc không đúng quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Về lâu dài, Hà Nội sẽ mở rộng và đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín trên tất cả các loại cây trồng…
Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra và phát hiện 14 cơ sở vi phạm quy định bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Vi phạm chủ yếu là không có hoặc giấy chứng nhận kinh doanh hết hạn; cơ sở thiếu điều kiện kinh doanh, bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng, kém chất lượng…

Chủ trương của Bộ NN&PTNT thời gian tới là tiếp tục giảm tên thương phẩm thuốc BVTV được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, tăng ít nhất 30% lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc được đăng ký, sử dụng…

Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung