Quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Đau đầu với thuốc giả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tình trạng vi phạm các qui định về quản lý thuốc BVTV, nhất là buôn bán thuốc giả đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc quản lý và xử phạt lại gặp khó vì… cơ chế.

Vi phạm tràn lan

Từ đầu năm đến nay, Cục BVTV đã lập 7 đoàn đi thanh, kiểm tra việc chấp hành các qui định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Định và Cần Thơ. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số 20 nhãn thuốc BVTV đang lưu hành, có tới 14 nhãn vi phạm (chiếm 70%).

Tổng hợp báo cáo của 54/63 Chi cục BVTV các tỉnh, thành phố cũng cho thấy, số lượng vi phạm về quản lý thuốc BVTV khá lớn. Qua thanh, kiểm tra 7.741 cửa hàng, đại lý thì có 805 đơn vị vi phạm, chiếm 10,39%. Trong đó lỗi vi phạm nhiều nhất là không đủ điều kiện buôn bán với 261 trường hợp (32,42%). Tiếp đến là buôn bán thuốc vi phạm nhãn mác 210 trường hợp (26,08%), thuốc quá hạn sử dụng 90 trường hợp (11,18%), thuốc ngoài danh mục (5,09%)... Qua thanh tra các qui định về kiểm dịch thực vật và xông hơi khử trùng tại 408 cơ sở thì có tới 216 cơ sở vi phạm (chiếm 52,9%).

Theo ông Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục BVTV, trong vòng 3 năm trở lại đây, tình hình buôn bán thuốc giả có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. 6 tháng đầu năm, các địa phương đã phát hiện 17 trường hợp buôn bán thuốc giả với số lượng trên 80.000 gói, chai (chủ yếu là loại thuốc đắt tiền và thuốc người dân hay sử dụng). "Nếu mua phải thuốc giả, người nông dân phải bỏ tiền ra mua thuốc phun nhiều lần vừa gây tốn kém, vừa tác động xấu đến môi trường" - ông Toản cho biết.

Quản lý khó vì… cơ chế

Theo ông Toản, nguyên nhân của việc gia tăng nạn buôn bán thuốc giả là vì nước ta phải nhập hầu hết nguyên liệu và thuốc BVTV thành phẩm, trong đó trên 80% là từ Trung Quốc. Hiện tại, cả nước có khoảng 80 nhà máy gia công, đóng gói và 30.000 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Vì lợi nhuận, không ít cơ sở đã sang chai, đóng gói, pha trộn thuốc giả để bán cho nông dân. Trong khi đó, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực từ 1/7/2011. Bởi theo Luật này, các tổng cục, cục, chi cục không còn tồn tại tổ chức thanh tra. Nếu phải xử phạt vi phạm hành chính thì chuyển về Thanh tra Sở.

Tuy nhiên, điều bất cập là khi còn thanh tra chuyên ngành BVTV, nếu có vi phạm sẽ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, hành vi buôn bán thuốc giả phải chịu mức từ 15 - 30 triệu đồng. Nhưng khi chuyển về Sở NN&PTNT, mức phạt hành vi này lại chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Hơn nữa, lực lượng thanh tra Sở NN&PTNT ở các tỉnh còn rất mỏng, lại yếu về chuyên môn BVTV nên không thể quản lý tốt hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.

Theo ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn quản lý thuốc BVTV hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đơn cử, chúng ta quá "dễ dãi" khi cho phép nhập khẩu các sản phẩm thuốc BVTV hỗn hợp có 3 - 4 hoạt chất trong khi ở các nước chỉ cho phép nhập không quá 2 hoạt chất. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng hành vi gian lận. Ngoài ra, một bất cập nữa là qui định về quảng cáo thuốc BVTV của chúng ta chưa chặt chẽ. Hiện nay nhiều công ty, nhất là khu vực phía Nam tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu sản phẩm, rồi đưa nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề về tiếp thị sản phẩm ngay tại địa phương. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Do đó, để nâng cao năng lực quản lý thuốc BVTV, rất cần có sự thống nhất và hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý. Đồng thời nâng mức phạt hành chính, đảm bảo mạnh tay đối với hành vi vi phạm. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục BVTV soạn thảo dự thảo sửa đổi Thông tư 38, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2011.
 
Từ đầu năm đến nay, Cục BVTV đã xử lý 14 lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng. Trong đó phạt vi phạm hành chính và cho nhập gia công tái chế 11 lô với 49.475 kg, lít thuốc; tái xuất 3 lô với 27.988 kg, lít. Thanh tra Cục và các đơn vị trực thuộc đã lập 1.118 biên bản vi phạm hành chính về Điều lệ quản lý thuốc BVTV, xử phạt tổng cộng trên 1,6 tỉ đồng.

  

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần