Quản lý trật tự đô thị: Bất cập trong các khu tập thể cũ

Bài, ảnh: Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quản lý trật tự đô thị, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… từ trước đến nay luôn là vấn đề làm đau đầu các cấp chính quyền địa phương.

Tại những khu vực này, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chỉ được vài hôm vi phạm lại tái diễn.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế& Đô thị tại một số khu tập thể cũ như Thanh Xuân Bắc, Kim Liên, thậm chí là các khu đô thị mới như Trung Hòa – Nhân Chính, Định Công… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sân chung làm nơi kinh doanh vẫn diễn ra khá phổ biến.
 Công an phường Định Công xử lý vi phạm trên phố Trần Điền.
Đáng nói, chính quyền các địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, thậm chí là xử phạt nặng các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sân chung làm nơi kinh doanh. Nhưng chỉ được vài ba hôm, trước áp lực “cơm áo gạo tiền”, một số vi phạm lại tiếp tục tái diễn.
Trao đổi về vấn đề này, một số chiến sĩ cảnh sát trực tiếp làm nhiệm vụ duy trì đảm bảo trật tự đô thị chia sẻ, phần lớn những hộ kinh doanh tại các khu tập thể cũ là những người có thu nhập thấp, không có công ăn việc làm ổn định, người thuộc diện GPMB phục vụ các dự án của TP. Trước đây, cuộc sống của họ vốn chủ yếu dựa vào việc kinh doanh mặt đường, nay Nhà nước thu hồi đất, họ không còn nghề để kiếm sống nên buộc phải tràn xuống đường để kinh doanh.
"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đều cần phải được xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc xử lý đối với những người nghèo gặp rất nhiều khó khăn, áp lực, nên đôi khi lực lượng chức năng chỉ có thể đẩy đuổi chứ khó mà xử phạt được. Bởi, đôi khi cuộc sống của cả một gia đình chỉ trông chờ vào một gánh rau, rổ hoa quả… nếu làm căng (tịch thu, phạt tiền), cuộc sống của gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng"- một chiến sĩ Cảnh sát trật tự nhận định.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung cho biết, nếu như việc xử lý trật tự đô thị trên các tuyến đường chính khó một thì tại các khu đô thị, tập thể cũ khó gấp mười. Dẫn chứng về vấn việc này, ông Trung cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có một số khu vực như khu N11B thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm sân chung, vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. “Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý, UBND đã lập đề án cải tạo vườn hoa, lắp đặt các thiết bị vui chơi, thể dục thể thao tại khu vực trên” – ông Trung cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, nguyên nhân lớn đến từ những bất cập của hạ tầng, đặc biệt là hệ thống chợ dân sinh.
Bởi, “có cầu, ắt có cung”, trong khi đó, mạng lưới chợ dân còn quá yếu và thiếu, khiến tình trạng trên tồn tại là điều khó tránh khỏi. Do đó, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy hoạch chợ dân sinh, thậm chí đưa những vi phạm này vào quản lý, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần