Quản lý trật tự đô thị tại quận Cầu Giấy: Hiệu quả từ… bữa ăn sáng

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trước đến nay, công tác quản lý trật tự đô thị luôn được ví von là “ném đá ao bèo”, lực lượng chức năng làm quyết liệt vi phạm đi vào nền nếp, nhưng chỉ cần “ngơi” một chút tất cả những nỗ lực sẽ như “muối bỏ biển”.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng từ phường đến quận, quận Cầu Giấy đã từng bước làm thay đổi quan niệm trên.

Quy trách nhiệm cho từng cá nhân

“Thứ Bảy, Chủ tịch quận mời ăn sáng” – đó là cách mà lãnh đạo UBND 8 phường trên địa bàn quận Cầu Giấy nói về buổi giao ban công tác quản lý trật tự đô thị sáng thứ Bảy hàng tuần do Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh chủ trì. Có thể nói, cụm từ “ăn sáng” ở đây đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi, trong cuộc họp giao ban định kỳ này, mọi vấn đề tồn tại trong công tác quản lý trật tự đô thị sẽ được lãnh đạo quận “chỉ mặt đặt tên”, mổ xẻ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ, thời gian đầu, “bữa ăn sáng” này luôn tạo ra những áp lực nhất định cho những người đứng đầu các phường. Tuy nhiên, sống trong áp lực mãi cũng quen, và chẳng phường nào muốn cuối tuần nào cũng được nêu tên với những tồn tại. Từ đó, chính quyền các phường sẽ có trách nhiệm hơn với chính địa bàn mình quản lý.

Đường Nguyễn Văn Huyên - một trong những tuyến đường có mặt cắt rộng trên 16m tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Trình

Ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, từ trước đến nay, đối với vi phạm trật tự đô thị, lãnh đạo nhiều phường thường có thói quen đổ lỗi cho tập thể. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm, Thường trực Quận ủy đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho người đứng đầu các phường trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Từ đó, tuần nào cũng vậy, theo yêu cầu của Chủ tịch quận, trước khi họp giao ban sáng thứ Bảy, các Phó Chủ tịch quận được phân công phụ trách các phường phải tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý trật tự đô thị tại địa bàn mình phụ trách. Và phường nào để vi phạm trật tự đô thị diễn ra trong một thời gian dài, thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Phó Chủ tịch phụ trách địa bàn đó rồi đến cá nhân khác.

Linh hoạt, không máy móc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc duy trì đều đặn “bữa ăn sáng” sáng thứ Bảy, hiện tại quận Cầu Giấy đang triển khai mô hình tiếp nhận phản ánh vi phạm trật tự đô thị qua tin nhắn điện thoại. Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, khi triển khai mô hình này, người dân, Tổ trưởng các tổ dân phố, Bí thư chi bộ khu dân cư có thể phản ánh trực tiếp, nhanh nhất những bất cập trong công tác quản lý đến lãnh đạo quận và các phòng, ban. Không chỉ quyết liệt, linh hoạt trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm, quận Cầu Giấy cũng mạnh dạn áp dụng, đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho cho công tác quản lý trật tự đô thị.

Cụ thể, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hàng ngày, sáng từ 7 – 8 giờ, tối từ 20 – 21 giờ các phường đã bố trí lực lượng sử dụng xe đạp gắn loa phát thanh đi tuyên truyền đến từng ngõ nhỏ, “gõ cửa” từng hộ dân… Tiếp đó, tại cuộc họp giao ban Thành ủy vừa qua, ông Dương Cao Thanh – Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã mạnh dạn kiến nghị TP cho phép UBND quận sử dụng nguồn ngân sách của quận để chỉnh trang, sửa chữa các tuyến hè phố của quận có mặt cắt từ 16m trở lên (hiện các tuyến đường này đang do TP quản lý - PV). Và dường như ngay lập tức, kiến nghị trên đã nhận được sự đồng tình của không ít lãnh đạo các quận trên địa bàn TP.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, bộ mặt đô thị TP nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, tại bất cứ thời điểm nào, câu chuyện chống tái vi phạm luôn là nỗi ám ảnh đối với chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, với những gì quận Cầu Giấy đã và đang thực hiện, câu chuyện “ném đá ao bèo” đang dần thay đổi.