Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể: Còn nhiều bất cập

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương có hàng nghìn sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống. Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và đề xuất nhiều giải pháp khuyến khích các địa phương chủ động tiến hành các biện pháp xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT). Tuy nhiên, việc sử dụng NHTT hiện nay trên địa bàn còn nhiều bất cập.

60% xây dựng chưa bài bản
Năm 2014, khoai lang Đồng Thái (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) được công nhận NHTT. Sau khi có thương hiệu, sản phẩm khoai lang Đồng Thái có giá trị kinh tế cao hơn, có vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhờ thế, đời sống người nông dân xã Đồng Thái đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, cũng nhờ sự nổi tiếng và giá trị kinh tế cao nên khoai lang Đồng Thái bị nhiều người bán hàng lợi dụng đánh tráo, gây thiệt hại cho thương hiệu và làm mất niềm tin của khách hàng. Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, hiện nay tại Ba Vì có 5 sản phẩm được cấp NHTT, đó là Gà đồi Ba Vì, Miến dong Minh Hồng, Sữa tươi Ba Vì, khoai lang Đồng Thái và chè Ba Vì. Tuy nhiên, do vấn đề kiểm soát chưa chặt chẽ nên người tiêu dùng vẫn dễ dàng bị đánh lừa.
Qua khảo sát của Sở KH&CN Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có gần 100 NHTT đã được đăng ký và bảo hộ. Song, mới chỉ có khoảng 30% các NHTT được sử dụng tương đối hiệu quả, được người tiêu dùng biết đến và ghi nhận, giá trị sản phẩm được tăng cao, chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu. Trong khi đó, có tới 60% NHTT được xây dựng chưa thật sự bài bản và gấp gáp vì chỉ mong muốn bảo vệ giá trị danh tiếng nhưng chưa hiểu sâu giá trị thật của NHTT và cách thức xây dựng và sử dụng NHTT sao cho đạt hiệu quả nhất. Do vậy, gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng NHTT trên sản phẩm trong quá trình lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, 10% NHTT còn lại, sau khi được bảo hộ đã không được sử dụng thực tế.
Nâng cao hiệu quả sử dụng
Theo Sở KH&CN Hà Nội, bảo hộ và phát triển NHTT cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng vì đây là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm có giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng quản lý và sử dụng các NHTT tại các quận, huyện, xã, phường và các chủ sở hữu NHTT (các hội/hợp tác xã) là một việc không đơn giản, bởi các NHTT này được xây dựng từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong số đó, nhiều NHTT đã được bảo hộ từ rất lâu, hơn nữa vấn đề quản lý của cơ quan Nhà nước và nhận thức của người sử dụng đối với NHTT còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển NHTT, Sở KH&CN Hà Nội đã xây dựng Dự thảo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025 và đã xin ý kiến các sở, ngành; dự kiến trình UBND TP phê duyệt trong tháng 1/2018. Theo đó trong năm tới, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn TP. Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách của TP. Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn các sáng chế/giải pháp hữu ích. Đồng thời  hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề mang địa danh.
Trong quá trình khảo sát, Sở KH&CN Hà Nội đã hỗ trợ 22 dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT cho nhiều sản phẩm đặc sản địa phương mang địa danh của Hà Nội; tổ chức hơn 40 lớp/buổi tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ cho cán bộ chuyên trách của các quận, huyện, người sản xuất và kinh doanh; xây dựng 22 phim phóng sự, quảng bá và giới thiệu giá trị tài sản trí tuệ làng nghề và sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.

     
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần