Quản lý nhà chung cư thế nào để không cháy nổ - Bài 3: Làm gì để hạn chế thiệt hại khi cháy nổ

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi đã xảy ra cháy, nếu người trong cuộc biết cách sử dụng thiết bị PCCC và bình tĩnh xử lý đám cháy thì hậu quả sẽ không lớn. Nếu không biết vận hành các thiết bị PCCC mà chờ cơ quan chức năng đến thì mọi việc có thể sẽ rất xấu, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”, đó là câu nói của ông cha xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Hệ thống PCCC luôn trong tư thế sẵn sàng

Như đã nói ở bài 1, cháy có thể xảy ra bất kỳ khi nào, bất kỳ nơi đâu, có thể do tác động của con người nhưng cũng có thể tự phát ra cháy nổ. Nếu cháy xảy ra vào ban đêm trong chung cư nhà cao tầng thì thiệt hại vô cùng lớn.
 Hệ thống chuông báo cháy cần để trong chế độ tự động. Khi có cháy sẽ lập tức báo về trung tâm để dễ phát hiện xử lý.
 Tại chung cư BMM Xa La, Phúc La, Hà Đông thì trong các căn bếp và trên các hành lang không có chuông báo cháy. Nếu có cháy ở đâu BQT cũng không biết để báo cho cư dân và ngược lại.
Khi xảy ra cháy ở trong tòa nhà chung cư nếu không được cảnh báo sớm bằng hệ thống chuông báo cháy tự động thì không ai biết để dập lửa cũng như thoát nạn ra khỏi tòa nhà. Do đó, CĐT, BQT, BQL thường xuyên để hệ thống báo cháy trong tình trạng tự động báo khi có hỏa hoạn. Điển hình nhất là vụ hỏa hoạn tại chung cư cao cấp Carina Plaza trên địa bàn quận 8 TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm xảy ra cháy vào ban đêm, hệ thống cảnh báo cháy của tòa nhà không hoạt động, do đó cả quản lý vận hành tòa nhà lẫn cư dân đều không được cảnh báo sớm khi có cháy mà chỉ đến khi khói vào trong nhà mọi người mới biết thì nhiều người đã không kịp thoát nạn.
 Máy bpm nước luôn đặt chế độ tự động. Các thiết bị vận hành trong hệ thống PCCC luôn có đủ.
Theo cảnh sát PCCC Phạm Văn Trưởng, Phòng cảnh sát PC&CC số 9 quận Hà Đông: Nếu hệ thống chuông báo cháy không đặt ở chế độ tự động, khi xảy ra cháy ở tầng nào đơn vị vận hành tòa nhà cũng không thể phát hiện qua hệ thống báo tự động báo về trung tâm mà phải đi từng tầng để tìm đám cháy. Đối với nhà chung cư cao tầng, nếu phải đi tìm như vậy thì không kịp thời dập được lửa, khiến đám cháy lớn hơn.
Muốn có hệ thống báo cháy hoạt động thường xuyên, liên tục đúng quy định của PCCC thì CĐT các chung cư phải nhanh chóng hoàn thiện, bàn giao lại cho BQT, BQL vận hành. Đối với BQT và BQL đã tiếp nhận hệ thống các thiết PCCC thì phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng để chúng luôn trong tình trạng hoạt động ổn định.
 Hộp thiết bị này đã quá lâu không được kiểm tra, bảo dưỡng, không biết có còn tác dụng khi xảy ra cháy? Hộp thiết bị tại tòa nhà Sông Đà.
Cũng theo cảnh sát PCCC Phạm Văn Trưởng, một hệ thống nữa cần được đặt trong chế độ hoạt động tự động đó là máy bơm nước. Bởi vì, máy bơm nước thường đặt ở dưới tầng 1 của tòa nhà. Khi máy bơm nước đặt ở chế độ tự động, xảy ra hỏa hoạn ở tầng nào thì chỉ cần lắp dây dẫn nước vào họng nước, vặn van tại chỗ là có thể lấy nước dập tắt đám cháy. Nếu máy bơm nước đặt chế độ phải vận hành thì khi có cháy ở trên tầng cao chúng ta phải chạy xuống tầng 1 để khởi động máy bơm sau đó mới trở lại tầng cháy để chữa cháy, như vậy thì mất khá nhiều thời gian khiến cho đám cháy lan rộng khó được khống chế.
Biết sử dụng thiết bị để tự cứu mình

Theo cơ quan PCCC, khi đám cháy ở 10 phút đầu thì khả năng khống chế tốt và gây ít thiệt hại. Nhưng khi đám cháy đã quá thời gian kể trên khó có khả năng khống chế và thiệt hại cũng sẽ rất lớn về vật chất, tính mạng của chính mình và nhiều người khác.
 Xe thang cứu nạn không thể lên được trên tầng 17, do đó mỗi cư dân cần trang bị cho mình kiến thức PCCC và thoát nạn.
Hơn nữa, theo cơ quan PCCC hiện nay tại Hà Nội, xe thang cứu hộ khi có cháy ở nhà cao tầng chỉ lên đến tầng 17-18. Do vậy, khó có thể cứu được người ở tầng cao hơn.

Do đó, mỗi người dân trong toàn nhà chung cư cao tầng cần biết cách sử dụng bình cứu hỏa và họng nước chữa cháy. Khi xảy ra đám cháy, người trong cuộc đã rất hoang mang, do vậy cần rất bình tĩnh để xử lý tình huống. Phát hiện ra đám cháy vừa mới bắt đầu xảy ra, người phát hiện đám cháy chạy ngay đến hộp bình cứu hỏa gần nhất lấy bình để dập tắt đám cháy. Đám cháy đã lan rộng, không thể sử dụng bình thì sử dụng họng nước chữa cháy.
 BQT, BQL vận hành tòa nhà cần tự tập huấn cho các thành viên về kỹ năng kiểm tra thiết bị, kỹ năng sử dụng các thiết bị PCCC và thoát nạn. Tập huấn của BQL nhà chung cư Sông Nhuệ, Hà Đông.
Nếu không biết kỹ năng sử dụng bình cứu hỏa và hỏng nước mà phải gọi cấp cứu từ nơi khác đến, khiến cho đám cháy đã lan rộng gây thiệt hại về tài sản và tính mạnh của cư dân. Như vậy, biết sử dụng các thiết bị PCCC thì mỗi người dân là một lính cứu hỏa tại chỗ cho chính ngôi nhà, tòa nhà nơi mình đang ở.
Khi đám cháy không thể khống chế được thì phải chạy thoát ra khỏi đám cháy. Chạy thế nào cho đúng mới cứu được mình khỏi bị chết ngạt do khói: Trong quá trình chạy phải chạy theo đường báo của đèn EXIT. Vừa chạy, vừa hô lên cho mọi người cùng biết và bấm vào chuông báo cháy trên hành lang của tòa nhà. Báo cho cảnh sát PCCC theo số 114.
 Cảnh sát PC&CC số 9 Hà Đông tập huấn kỹ năng PCCC và thoát nạn cho cư dân.
 Hướng dẫn sử dụng mặt nạ phòng độc khi thoát nạn ra khỏi đám cháy.
 Các cán bộ quản lý nhà nước về công tác PCCC trên địa bàn Hà Đông thực hành chống cháy nổ có sự hướng dẫn của cảnh sát PC&CC Hà Đông.
Vì khói bao giờ cũng bốc lên cao, do vậy người chạy phải cúi xuống không bị nhiễm độc khói. Mỗi người dân cần trang bị cho mình kỹ năng thoát nạn an toàn, đeo mặt nạ chống độc, chạy vào buồng thang bộ. Vì khi cháy buồng thang bộ là nơi an toàn nhất trong các tòa nhà chung cư cao tầng. Từ đó chạy xuống tầng dưới, hoặc lên tầng mái của tòa nhà.

Như vậy, làm thế nào để mọi cư dân biết cách PCCC và thoát nạn ra khỏi tòa nhà một cách an toàn thì các BQT, BQL nhà chung cư cần phối hợp với cơ quan PC&CC tập huấn cho cư dân các kỹ năng sử dụng thiết bị PCCC và kỹ năng thoát nạn. Mỗi cư dân phải coi việc PCCC là của mình chứ không phải của cơ quan PCCC thì hỏa hoạn sẽ được hạn chế ngay từ nguồn cháy, và chủ động chống cháy trong mọi điều kiện có thể thì sẽ hạn chế được thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần