Quản lý xe đưa đón học sinh: Bịt lỗ hổng bằng luật

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ một học sinh tại trường phổ thông liên cấp Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe là tiếng chuông báo động về những lỗ hổng trong công tác quản lý loại hình xe hợp đồng đưa đón học sinh. Vậy đâu là giải pháp để bịt những lỗ hổng này?

Mất bò mới lo làm chuồng
Như thông tin đã đưa, chiều 6/8, cháu L.H.L (6 tuổi), là học sinh lớp 1 trường Gateway có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội được phát hiện đã tử vong trên ô tô đưa đón của nhà trường. Khi cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện chiếc xe đưa đón cháu L. chưa có giấy phép kinh doanh vận tải và cũng chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh.
Không hiểu vì lý do gì, trong suốt một thời gian dài, chiếc ô tô 16 chỗ trên vẫn ngang nhiên hoạt động đưa đón học sinh mà không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Số liệu thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT cho thấy, năm học 2019 - 2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe; trong đó loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường không có trường Gateway.
 Xe đưa, đón học sinh tại một điểm trường ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập tức có văn bản đề nghị gửi Sở GTVT các tỉnh và TP trực thuộc T.Ư tăng cường công tác quản lý đối với xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên. Cụ thể, rà soát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng trên địa bàn có hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Liền sau đó, trong bản Dự thảo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sửa đổi lần thứ 10 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra đề xuất bổ sung điều kiện về kiểm soát xe để tránh bỏ quên hành khách trên xe. Bộ GTVT đề xuất, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng về Sở GTVT nơi đăng ký hoạt động. Đồng thời phải ghi rõ thời gian từng chuyến xe theo ngày, giờ trong tuần hoặc khi có sự thay đổi về tuyến đường, thời gian vận chuyển và các điểm dừng, đỗ của xe ô tô.
Phải quy định chặt chẽ
Phân tích về lỗ hổng trong công tác quản lý dịch vụ xe đưa đón học sinh hiện nay, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đang chưa có bất kỳ quy định nào chuyên biệt cho dịch vụ xe đưa đón học sinh. Đây là một thiếu sót lớn và vấn đề cấp bách hiện nay là cần có một quy chuẩn rõ ràng đối với đội ngũ lái xe đưa đón học sinh, đặc biệt với học sinh tiểu học. Quy chuẩn này phải được đưa ra một cách đầy đủ, nghiêm ngặt bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, loại hình xe đưa đón học sinh ở nước ta hiện nay đang tăng nhanh do nhu cầu ngày càng cao nhưng lại chủ yếu phát triển một cách tự phát. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với loại hình dịch vụ vận tải này tại nhiều địa phương.
Để bịt những lỗ hổng trên, TS Trần Hữu Minh cho rằng, việc cần làm đầu tiên là các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp cấp bách bảo đảm ATGT với việc đưa đón vận chuyển học sinh. Đồng thời cần tổ chức rà soát, bổ sung các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh với xe buýt trường học thành một loại hình cụ thể.
Những quy định bổ sung này cần được đưa vào Nghị định 86 sửa đổi. Ngoài ra cũng cần siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo lái xe, đặc biệt là lái xe tham gia đưa đón học sinh. “Muốn nâng cao chất lượng, độ an toàn cho dịch vụ xe buýt trường học có rất nhiều việc cần làm, trong đó bao gồm việc ban hành các quy định chặt chẽ khi vận chuyển học sinh” – TS Trần Hữu Minh nói.

"Cần có một quy định cụ thể về xe đưa đón học sinh. Bên cạnh đó, đối với loại hình vận tải hành khách đặc biệt này, phương tiện sử dụng phải là loại xe chuyên biệt. Xe đưa đón học sinh phải phù hợp độ tuổi, vóc dáng, cơ thể các em và được hỗ trợ những thiết bị nhằm tránh bỏ quên học sinh hay hạn chế các tai nạn trên xe như té ngã. Đây là điều các nước phát triển đã áp dụng từ lâu." - PGS.TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh