Quản lý xử phạt mạng xã hội đưa tin giả: Muôn màu trên thế giới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi một số quốc gia đưa ra luật xử phạt nặng các mạng xã hội, các trường hợp viện đến tòa án cũng có.

Bi kịch 20 người bị đám đông cuồng nộ sát hại chỉ trong chưa đầy 2 tháng tại Ấn Độ (5-7/2018) là hậu quả nhãn tiền của nạn tin giả (fake news). Thảm họa xuất phát từ những thông tin hoàn toàn bịa đặt trên mạng xã hội (MXH) Facebook hay ứng dụng Whatsapp, với 25 người liên quan việc tung tin giả bị bắt giữ. Đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện cho thấy sức ảnh hưởng nằm ngoài kiểm soát của tin giả tràn lan trên MXH. Để ngăn những thông tin sai lệch gây ra thảm họa tương tự, chính quyền các nước đã phải tác động trực tiếp tới những “gã khổng lồ” công nghệ, nguồn cơn trực tiếp của những bê bối từ MXH.

 

Ranh giới giữa tài khoản MXH và trang tin

Để phạt các nhà báo đăng tin giả và các tài khoản mạng xã hội đáng ngờ, chính quyền Ai Cập năm 2018 thông qua luật mới. Theo đó, những tài khoản mạng xã hội và blog có hơn 5.000 lượt theo dõi trên các nền tảng như Twitter, Facebook sẽ bị đối xử như hãng tin, từ đó có thể bị truy tố nếu đăng tin sai sự thật hoặc kích động phạm pháp. Hội đồng tối cao về Truyền thông Ai Cập chịu trách nhiệm giám sát và hành động trước các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, luật cũng cấm thành lập website mà không có giấy phép từ hội đồng và cho phép hội đồng chặn hay đình chỉ hoạt động của những website này hoặc phạt tiền biên tập viên. Đồng thời nhấn mạnh nhà báo chỉ được quay phim tại các địa điểm không bị cấm.

Chọn “bắt tay” với các nhà kiểm chứng tin tức cũng là một phương thức các công ty công nghệ chủ động thực hiện. Năm 2018, Facebook tuyên bố triển khai tại Brazil một chương trình chống phát tán tin giả trên các trang MXH sau khi đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan kiểm chứng tin tức là Aos Fatos và Agencia Lupa. Theo đó, hai cơ quan trên sẽ được phép tiếp cận các tin tức bị cộng đồng sử dụng Facebook tố cáo là tin giả để phân tích tính xác thực. Tất cả các nội dung được xác định là thất thiệt sẽ bị hạn chế một cách triệt để . Trong khi đó, các trang Facebook liên tục chia sẻ các tin giả sẽ bị hạn chế độ lan tỏa. Thông báo của Facebook cho biết, với cam kết đấu tranh chống nạn phát tán tin giả trên MXH, việc hợp tác với Aos Fatos và Agencia Lupa được đánh giá là một bước tiến quan trọng nữa để cải thiện chất lượng thông tin được chia sẻ trên nền tảng này.  Tại Đức, Facebook đã cung cấp nhiều biện pháp để chống lây lan các tin tức giả mạo. MXH này đã hợp tác với tổ chức tin tức phi lợi nhuận Correctiv để cho ra công cụ cho phép người dùng đánh dấu vào những thông tin mà họ cho là giả mạo. Correctiv sẽ điều tra những nội dung bị đánh dấu.

Cơ chế riêng trước thềm các sự kiện chính trị

Các chiến dịch tranh cử hay các cuộc trưng cầu dân ý, các sự kiện chính trị có sự tham gia lớn của người dân luôn là “con mồi” ngon của tin giả. Nắm bắt điều này, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, vào thời điểm các chiến dịch tranh cử bắt đầu khởi động tại các nước EU, các tập đoàn Internet cần có các giải pháp cụ thể để bảo đảm sự minh bạch của các quảng cáo mang tính chính trị.

Cơ quan nói trên cũng hối thúc các nền tảng Internet cung cấp quyền tiếp cận vào hệ thống dữ liệu của họ để phục vụ mục đích nghiên cứu, và để bảo đảm hợp tác giữa các nền tảng và các nước thành viên thông qua Hệ thống Báo động khẩn cấp.

Dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019, hệ thống này sẽ cho phép các thành viên chia sẻ dữ liệu và phân tích về các chiến dịch vận động bầu cử và qua đó, các nền tảng Internet có thể thúc đẩy các nội dung được chính EU xác nhận là khách quan và không sai lệch. Ngay trước thềm báo cáo của Ủy ban châu Âu, ngày 28/1, Facebook cũng đã công bố một số công cụ mới sẽ giúp chống lại các chiến dịch tin giả trên mạng Internet.

Bê bối tin giả ở nhiều nước phải viện đến tòa án để xử lý. Năm 2017, một tòa xử phúc thẩm ở Áo đã ra phán quyết yêu cầu Facebook phải xóa bỏ mọi bài đăng có nội dung xúc phạm, gây thù hận đối với người đứng đầu Đảng Xanh ở nước này, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ của Áo. Đảng Xanh đã tiến hành khởi kiện vì những bài viết thóa mạ lãnh đạo đảng này - nghị sĩ Eva Glawischnig, do một tài khoản giả mạo cho đăng tải trên Facebook. Đảng Xanh cáo buộc MXH này không gỡ bỏ những bài viết trên bất chấp nhiều yêu cầu làm điều đó. Tòa phúc thẩm của Áo nhấn mạnh, hiện sẽ rất khó để tìm thấy các bài đăng tương tự, nhưng Facebook cần phải gỡ bỏ những bài viết nghi vấn cũng như bất kỳ bài đăng lại này. Tòa cũng nêu rõ, Facebook phải xóa các thông điệp nói trên khắp toàn cầu, thay vì chỉ chặn người dùng Áo tiếp cận.

Đánh vào “tài chính”

Tại Nga, một dự luật mới công bố hồi tháng 3 cho phép chính phủ Nga kiểm soát không gian mạng chặt chẽ hơn, đồng thời góp phần gia tăng quyền lực của chính phủ hiện tại. Theo đó, người dân có thể bị phạt tiền và thậm chí vào tù nếu đăng thông tin thóa mạ xã hội, nhà nước, các biểu tượng chính thức của nhà nước liên bang, hiến pháp liên bang và cơ quan công quyền. Mức phạt cho hành vi tung tin giả xúc phạm Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lên tới 4.700 USD và ngồi tù 15 ngày. Trong khi đó, một dự luật khác cấm đăng tải thông tin thiếu tin cậy, chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng trong xã hội với mức phạt lên tới 23.000 USD.

Trước đó, Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2017 cũng từng đề xuất hình phạt lên tới 53 triệu USD đối với các MXH như Facebook nếu để tin tức giả mạo lan truyền.  Dự luật được đề xuất trong bối cảnh quan ngại những tin tức giả mạo sẽ ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị như bầu cử. Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas khẳng định, các mạng xã hội sẽ bị phạt nặng nếu không thể loại bỏ những tin tức cực đoan hay những thông tin giả mạo.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần