Quan tâm chế độ dinh dưỡng, nâng cao thu nhập cho các vận động viên

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (16/8), Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao; Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội và Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội về thực hiện các cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV); chế độ đặc thù đối với HLV, VĐV, trọng tài của TP.

 Đoàn làm việc tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội
Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, hiện đơn vị có 2/16 đơn vị sự nghiệp hoạt động lĩnh vực TDTT là Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội. Thời gian qua, Sở đã quán triệt và triển khai tốt các chỉ thị, kế hoạch của TP trong lĩnh vực TDTT, trong đó chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý, sử dụng HLV, VĐV. Nhờ đó, đã góp phần giúp TP Hà Nội luôn là đơn vị đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương vàng của thể thao Việt Nam trong các kỳ đại hội TDTT, đại hội Olympic, Asiad, Sea Games. Đặc biệt, các VĐV Thủ đô còn giành được nhiều thứ hạng cao tại các cuộc thi đấu vô địch thế giới, châu lục, khu vực ở nhiều môn thể thao quan trọng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã cử 124 đoàn với 2.996 lượt HLV, VĐV, chuyên gia đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Trong đó có 1.010 VĐV giành huy chương các loại (752 huy chương tại các giải thể thao trong nước, 258 huy chương tại các giải thể thao quốc tế).

Dù vậy, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao thừa nhận, về trình độ, đa số HLV có thâm niên chỉ đảm bảo được công tác huấn luyện cơ bản, còn hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính…, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do vậy, nhiều bộ môn phải thuê chuyên gia, gây mất tính chủ động trong chuyên môn. Bên cạnh đó, những HLV từ VĐV chuyển sang thường thiếu kỹ năng sư phạm, chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo thi đấu thành tích cao. Việc phát hiện, đào tạo VĐV năng khiếu từ khi còn nhỏ gặp nhiều khó khăn do chế độ tiền lương, tiền công thấp và phụ huynh không đồng ý theo đuổi lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, vì đặc thù của nghề là rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.
 Thăm học sinh Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao, các đơn vị sự nghiệp của Sở và nỗ lực không ngừng của đội ngũ các HLV, VĐV, trọng tài, cộng tác viên tại TP đóng góp vào thành tích của ngành TDTT Hà Nội; công tác xã hội hóa cũng có hiệu quả bước đầu tại các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, theo Trưởng đoàn giám sát, hạn chế hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạng mục công trình tại nhiều nhà thi đấu đã xuống cấp nghiêm trọng; chế độ chính sách cho các VĐV, HLV, trọng tài chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại; kinh phí cho các đoàn tham gia các hoạt động TDTT tại quốc tế còn hạn chế. Mức chi tiền dinh dưỡng cho các HLV, VĐV hiện cũng không còn phù hợp. Vì vậy, Thường trực HĐND TP sẽ sớm duyệt phương án tăng chi đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho các VĐV, HLV.

Thời gian tới, đoàn giám sát đề nghị tại các quận huyện rà soát ngay các hạng mục công trình TDTT cần cải tạo, đầu tư, trong đó cần vai trò chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao. Ngành Văn hóa - Thể thao cần liên kết với ngành sư phạm để đào tạo; có cơ chế hỗ trợ những VĐV không may bị tai nạn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; hoàn thiện các cơ sở vật chất tại các công trình; nâng cao chất lượng bữa ăn cho VĐV. Về phía các sở, ngành, cần tăng cường giám sát và quản lý việc đầu tư cải tạo các công trình. Sở GD&ĐT cần chú trọng phát triển thể thao trong học đường; Sở Văn hóa - Thể thao quan tâm hơn tới đời sống tinh thần và chỗ ở cho các VĐV, HLV.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần