Quan tâm chính sách phát triển phong trào thể dục thể thao tại Hoài Đức

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình khảo sát việc thực hiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV); chế độ đặc thù cho HLV, trọng tài, VĐV của TP Hà Nội, sáng 14/8, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Trần Thế Cương làm trưởng đoàn đã khảo sát, làm việc tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) huyện Hoài Đức.

Khảo sát tại Nhà thi đấu đa năng thuộc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Đức
Cùng tham gia có Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân.
Theo Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, để thúc đẩy hoạt động thể dục thể thao (TDTT) Thủ đô, HĐND TP đã có Nghị quyết 22 năm 2012 thông qua quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2030 và Nghị quyết 22 năm 2016 về các cơ chế chính sách dành cho VĐV, HLV đạt thành tích cao trong các giải đấu quốc gia, quốc tế. Dù vậy, tại không ít quận, huyện do điều kiện thực tế còn hạn chế nên cơ sở vật chất cũng như các điều kiện khác chưa đáp ứng việc thực hiện các chính sách cho VĐV, HLV. Vì vậy, Ban thực hiện đợt khảo sát tại một số trung tâm VH-TT&TT, cung thể thao tại các quận, huyện; Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện-Thi đấu TDTT Hà Nội để nắm bắt thực tế, đề xuất chính sách thỏa đáng hơn cho VĐV, HLV tại TP.

Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Nguyễn Văn Chuyền cho biết, những năm qua, tổ chức bộ máy cán bộ, viên chức và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT từ huyện đến xã/thị trấn được chú trọng đầu tư đảm bảo tốt nhu cầu Nhân dân. Trong đó, Khu Trung tâm VHTT huyện rộng 5,6ha gồm: Nhà thi đấu đa năng 2.000 ghế ngồi đủ tiêu chuẩn đăng cai các giải thi đấu trong nước, quốc tế; sân vận động 3.500 ghế; 1 bể bơi; 3 sân tennis… Ở các xã thị trấn cũng có 6 sân bóng, sân bóng mini, 126 nhà văn hóa thôn, 2 nhà văn hóa xã, 120 sân cầu lông-đá cầu... Trung tâm có 43 cán bộ, viên chức, NLĐ, cùng các cộng tác viên đủ trình độ đáp ứng tốt nhiệm vụ công tác TDTT của huyện.

Tuy nhiên, hoạt động TDTT tại huyện vẫn còn một số khó khăn đáng kể như: Chế độ bồi dưỡng cho cán bộ chuyên môn, HLV, VĐV, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể thao còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; diện tích đất dành cho thể thao cấp cơ sở hạn hẹp; một số xã/thị trấn không có sân vận động… Vì vậy, huyện kiến nghị HĐND TP bố trí tăng thêm cơ chế đãi ngộ cho các HLV, hướng dẫn viên, VĐV ở cơ sở; các sở, ngành TP cho huyện đăng cai thêm các giải thi đấu thể thao lớn của TP, toàn quốc, khu vực để đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao trên địa bàn.

Lắng nghe các ý kiến, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương nhận định: Hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng tại Hoài Đức được quan tâm chỉ đạo, các chỉ tiêu về TDTT đều có khả năng góp phần giúp huyện đạt tiêu chí phát triển lên quận. Song, một số hạng mục tại Trung tâm phát huy chưa hết công suất, hoặc bắt đầu xuống cấp; thiếu các điều kiện hạ tầng tối thiểu để tổ chức những sự kiện TDTT lớn…

Vì vậy, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền tăng cường các hoạt động TDTT trong Nhân dân. Với thế mạnh có nhiều câu lạc bộ TDTT, huyện cần đẩy mạnh mô hình này bằng cách kêu gọi xã hội. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo VĐV để cung cấp cho phong trào TDTT của TP, thực hiện đúng quy định xã hội hóa với các hạng mục công trình, phát triển thêm câu lạc bộ, có chế độ thỏa đáng cho cộng tác viên; quan tâm chăm lo các HLV, VĐV; đẩy mạnh BHXH cho họ... Đoàn cũng tiếp thu các kiến nghị của huyện, sẽ xem xét đề xuất với các cơ quan chức năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần