Quan tâm đến nguyện vọng thiết thân của dân để làm dân vận

Trần Long-Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/4, Đoàn kiểm tra T.Ư do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai – Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 25-NQ/TW làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Chủ trì và tiếp đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải. Cùng tiếp đoàn có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn…
Làm rõ hơn những đổi mới trong công tác dân vận qua các hoạt động của HĐND TP Hà Nội trong thời gian qua, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, với chức năng và nhiệm vụ của mình, HĐND TP luôn gắn dân vận với lắng nghe Nhân dân. Điều này được thể hiện ở việc đổi mới các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân hàng tháng của tất cả đại biểu HĐND TP, đổi mới trong giám sát, khảo sát… Cùng với đó, HĐND TP cũng tiếp tục có những đổi mới trong tổ chức các Kỳ họp. Theo đó, các vấn đề, nội dung được bàn thảo tại các kỳ họp đều được đưa lên cổng thông tin TP để cử tri cùng theo dõi. Đặc biệt, HĐND TP đã thực hiện việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, giải trình của HĐND TP và Thường trực HĐND TP để người dân được tiếp cận thông tin…
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với các đại biểu.
Còn theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, với trọng tâm lấy người dân và DN là trung tâm phục vụ, TP đã cụ thể hóa việc thực hiện công tác dân vận theo Nghị quyết số 25-NQ/TW bằng 9 nhiệm vụ như: Đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức về công tác dân vận; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường dân chủ cơ sở; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình đẳng; đưa tiêu chí công tác dân vận vào đánh giá địa phương, đơn vị...
Để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến thực hiện công tác dân vận của Hà Nội trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Trong công tác dân vận, Thành ủy Hà Nội đã thể chế hóa và triển khai nhiều nhiệm vụ từ cấp TP đến quận, huyện, xã phường. Đồng thời, coi xây dựng và bồi đắp lòng tin trong Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. “Lòng tin của dân không phải là sản phẩm có sẵn, nghiễm nhiên được hưởng mà chúng ta phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, bảo vệ, phát triển. Do vậy, TP đã luôn chú trọng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất...” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để công tác dân vận căn cơ hơn. Đặc biệt, sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ngày càng chất lượng; nâng cao nhận thức, kỹ năng, trình độ vận động Nhân dân của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
 Toàn cảnh buổi làm việc.
Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai nhận định: Hà Nội đã xây dựng được chương trình, kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW phù hợp với thực tế và chú trọng đến công tác tuyên truyền. Điều này khiến công tác dân vận được mở rộng trên mọi lĩnh vực; Sự đồng bộ trong hệ thống chính trị, công tác phối hợp, đặc biệt công tác dân vận chính quyền. Để đảm bảo công tác dân vận có hiệu quả, Hà Nội đã quan tâm tới việc xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, sắp xếp bộ máy, chất lượng cán bộ, chất lượng cán bộ làm công tác dân vận được tăng lên. Sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã tác động tốt đến đời sống của người dân và lấy được lòng tin trong Nhân dân. Các chính sách lớn và cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ nét và được người dân ghi nhận…
Đề cập đến một số hạn chế của TP trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Trưởng ban Dân vận T.Ư đề nghị: Hà Nội cần quan tâm đến nguyện vọng thiết thân của người dân để làm dân vận. Bởi, khi Hà Nội mở rộng sẽ có sự phân hóa. Vì thế, cần dành sự quan tâm lớn hơn cho nhóm yếu thế, địa bàn vùng xa và nông thôn để giảm cách biệt giữa trung tâm với địa bàn xa. Nếu giải quyết được thì lòng tin của Nhân dân sẽ được tăng lên và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục thúc đẩy, làm tốt hơn việc đồng bộ trong hệ thống chính trị để làm tốt việc phục vụ Nhân dân. Để làm được điều này bắt buộc phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; gắn với việc nêu gương người đứng đầu để dân tin tưởng. Quan trọng là phải lấy dân vận chính quyền làm trọng điểm trong công tác dân vận. Ngoài ra, phải đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội…